Uniqlo bán cả hoa tươi và sách
Tưởng vô lý nhưng lại rất thuyết phục: Uniqlo bắt đầu bán hoa tươi và sách ngay trong các cửa hàng quần áo
Công ty mẹ Fast Retailing của Uniqlo đang trong quá trình chuyển đổi chính mình từ một cửa hàng quần áo đơn thuần sang “cơ sở hạ tầng xã hội”. Theo lời chủ tịch Tadashi Yanai, khi thế giới hướng tới sự bền vững, Uniqlo muốn cải tiến chính bản thân trở nên “có sự hiện diện xã hội nhiều hơn”.
“Tôi chưa từng tưởng tượng ra một Uniqlo như thế này”, theo một vị khách nữ đang mua sắm tại cửa hàng ở khu Harajuku, Tokyo vào ngày 2/12 trong sự kiện kỷ niệm 36 năm thành lập của Uniqlo. Những bó hoa tươi và sách được bán ngay trong một góc cửa hàng.
“2020 là một năm cực kỳ quan trọng với chúng tôi”, theo Takao Kuwahara – một lãnh đạo cấp cao, gia nhập Uniqlo từ năm 1994. Ông đã chứng kiến nhiều sự thay đổi của công ty.
Đầu tiên, là từ các cửa hàng. Tòa nhà chứa cửa hàng Uniqlo Park Yokohama Bayside được mở vào tháng 4 trong bối cảnh Nhật Bản đang trong lệnh phong tỏa đã được chuyển đổi thành một “công viên”. Đường dốc bên ngoài đóng vai trò như một đường trượt khổng lồ, tầng thượng có phòng tập gym và một số thiết bị khác. Cửa hàng cũng luôn ngập tràn tiếng cười nói của phụ huynh và những đứa trẻ suốt cả ngày dài. Uniqlo xây dựng cơ sở này với ý tưởng về “một cửa hàng như một công viên”, biến nó thành một nơi mở cửa cho bất kỳ ai tới và chơi.
Cửa hàng Yokohama bắt đầu bán hoa tươi và sau đó ý tưởng này lan rộng tới cửa hàng ở Harajuku của công ty và cả cửa hàng flagship ở Tokyo. “Hoa và quần áo giống nhau. Chúng thay đổi theo mùa và mang lại những màu sắc tươi vui cho cuộc sống của chúng ta”, Kuwahara nói.
Công ty bắt đầu bán hoa tươi một phần là để gắn liền với thương hiệu mới LifeWear nhưng cũng là để hỗ trợ ngành hoa tươi đang chịu thiệt hại vì dịch bệnh.
Trong cuộc họp cổ đông của Fast Retailing ở tỉnh Yamaguchi vào ngày 26/11, hoa tươi, sách, văn phòng phẩm và sản phẩm y tế như khẩu trang AIRism được thêm vào danh mục của công ty. “Về cơ bản chúng tôi là một cửa hàng quần áo. Tuy nhiên, cũng có những thứ khác chúng tôi có thể làm với cùng tư duy kinh doanh”, Kuwahara khẳng định.
Khẩu trang AIRism ra mắt vào tháng 6 là biểu tượng triết lý này. Loại khẩu trang này đã thu hút một lượng lớn khách hàng và nhờ nó mà công ty đã có 6 tháng liên tiếp đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên chủ tịch Yanai ban đầu không dễ dàng chấp nhận ý tưởng bán khẩu trang. Ông chỉ đơn thuần là miễn cưỡng chấp nhận ý tưởng của những nhân viên trẻ hơn, nhưng sau đó ông đã phải nghĩ lại sau khi nhận được một lượng lớn phản hồi của khách hàng.
Mỗi ngày, nhân viên Fast Retailing lại nhận được một email với tựa đề “Tiếng nói của khách hàng”. Nó chưa một loại khiếu nại và yêu cầu của khách hàng nhận từ tổng đài, ở cửa hàng và trực tuyến. Trung bình có hàng trăm bình luận của khách hàng mỗi ngày và “chủ tịch Yanai là người đọc chúng nhiệt tình nhất”. Những yêu cầu phổ biến nhất trong đại dịch đều là các sản phẩm về khẩu trang.
Số lượng sản phẩm mới ra đời nhờ những phản hồi của khách hàng tăng lên không ngừng. Gần đây, Uniqlo đang tập trung vào các sản phẩm phục vụ cuộc sống hàng ngày như chăn và ga trải giường.
Inditex – công ty sở hữu thương hiệu Zara và là thương hiệu quần áo lớn nhất thế giới được cho là cũng sẽ tham gia vào loạt sản phẩm phục vụ cuộc sống hàng ngày. Khi mọi người càng ít ra ngoài bởi đại dịch, nhu cầu cho các sản phẩm khác ngoài quần áo, đặc biệt là trang trí nhà cửa ngày một tăng. Đây vẫn là cuộc chiến ngầm giữa các công ty quần áo.
Mục tiêu của Fast Retailing là trở thành một “công ty thông tin, sản xuất và bán lẻ” xuất phát từ tiếng lòng của chính khách hàng. Mọi người đang tìm kiếm ngày càng nhiều sản phẩm từ Uniqlo. Đối với Fast Retailing, khi mà hoạt động kinh doanh nội địa đang sa sút, một sản phẩm ăn khách có thể mở ra thị trường mới.
Nguồn: Nikkei
Có thể bạn quan tâm: TỦ SÁCH KHỞI SỰ – KHỞI NGHIỆP – LÀM GIÀU