Cuộc chiến cookie giữa kẻ đến sau Oreo và Hydrox

By Nguyễn Liên 10/01/2022 11:00

Những chiếc bánh cookie Oreo, với vỏ bánh được phủ socola và nhân kem, từ lâu đã được bày bán rộng rãi trên những kệ hàng của các siêu thị và giành được một thị phần lớn trên thị trường. Tuy vậy, chúng còn trở nên nổi tiếng hơn nữa khi được xem là một biểu tượng chân chính của nước Mỹ.

Tính đến năm 2017, đã có hơn 40 tỷ chiếc bánh Oreo được sản xuất hàng năm và mang về thu lên đến 2 tỷ USD. Thậm chí, chúng còn được chính những nhà sản xuất, trực thuộc công ty sản xuất thực phẩm đa quốc gia Mondelez International, ca ngợi là “thương hiệu bánh cookie được bán chạy nhất thế kỷ 21”.

Tuy nhiên, có một sự thật mà có thể khiến một số người hâm mộ loại bánh này cảm thấy vô cùng ngạc nhiên đó là, bánh cookie Oreo từng bị coi là hàng nhái và mặc dù được tạo ra cách đây hơn 100 năm, vào năm 1912, nhưng thực sự Oreo là loại bánh cookie thứ hai từng được tung ra thị trường. Vào năm 1908, phiên bản gốc đầu tiên của loại bánh này đã được ra mắt bởi một công ty có tên là Sunshine Biscuits và chúng được đặt tên là Hydrox. Những người sáng tạo muốn tìm kiếm một cái tên để có thể truyền đạt được “sự tinh khiết” của sản phẩm đến người tiêu dùng và họ đã lựa chọn các thành phần cấu thành nên phân tử nước, bao gồm hydro và oxy, để tạo ra cái tên này.

Bên cạnh những đặc điểm chung của 2 loại bánh cookie này thì bánh cookie Hydrox cũng có kiểu nền hình bông hoa đặc trưng. Tuy vậy, khi Oreo được ra mắt trên thị trường và bắt đầu cạnh tranh với bánh Hydrox thì nó đã được cải thiện thêm về hình thức và điều này khiến cho những chiếc bánh Hydrox trở nên lỗi thời và kém hấp dẫn người tiêu dùng hơn.

Một nhà báo của tờ New York Times từng ví von việc so sánh giữa 2 hãng bánh Hydrox và Oreo, cũng giống như việc bạn đang so sánh giữa 2 thương hiệu nước ngọt là Pepsi và Coca-Cola vậy!

Thương hiệu bánh cookie Oreo đã vượt qua thương hiệu Hydrox về sản lượng bán ra trên thị trường.

Theo Insider, thương hiệu bánh Oreo đã được Công ty Bánh quy Quốc gia, sau này có tên là Nabisco, giới thiệu là loại “bánh quy có chất lượng cao cấp nhất”. Tuy vậy, thương hiệu này đã không thể ngay lập tức vượt qua được Hydrox. Thương hiệu bánh Oreo đã phải mất đến hàng thập kỷ, tham gia vào “cuộc chiến cạnh tranh” về việc sản xuất bánh cookie và phải đối mặt với những cáo buộc của Hydrox khi cho rằng, Oreo là “kẻ mạo danh”. Mặc dù công ty Nabisco đã vô cùng nỗ lực để chịu lỗ cho Oreo, nhưng sau đó, thương hiệu này cũng vẫn chưa thể giành được chiến thắng. Mãi về sau này, khi Oreo thiết kế lại sản phẩm, mẫu mã và thay đổi các chiến lược tiếp thị mang tính tích cực hơn, cộng với những tác động từ việc giá cả hàng hóa tăng cao hơn, thì doanh số bán hàng của Oreos đã được cải thiện và phát triển tốt hơn vào giữa những năm 1950.

Trước khi thật sự biến mất trên thị trường, thì thương hiệu bánh cookie Hydrox cũng đã cố gắng để cải thiện và vực dậy thị phần của mình bằng cách chuyển đổi đơn vị sản xuất sang các công ty khác như American Tobacco, Keebler, Kellogg’s. Keebler đã cố gắng khắc phục nhược điểm về tên gọi và đổi tên thành Droxies, tuy vậy, tình hình vẫn không trở nên khả quan hơn là mấy. Tiếp theo đó, chỉ 2 năm sau khi Kellogg nắm quyền sở hữu vào năm 2001, thì cuối cùng Hydrox cũng đã thật sự biến mất khỏi thị trường.

Ngược lại, trong thời gian đó Oreo đã làm mưa làm gió trên thị trường với hàng loạt những sự đổi mới. Nó đã liên tục được cải tiến tốt hơn trong những năm qua, từ việc đa dạng hóa hương vị các loại bánh cookie cho đến việc kết hợp kinh doanh cùng các sản phẩm khác đến từ những thương hiệu nổi tiếng như McDonald’s, Double Stuf và Supreme. Thậm chí vào năm 2020, thương hiệu này còn cho ra mắt các phiên bản bánh cookie khác với những hương vị vô cùng đặc sắc và hấp dẫn.

Một lần nữa, thương hiệu bánh Hydrox đã quay trở lại để đối đầu với Oreo!

Vào năm 2019, Oreos đã thiết lập thêm một kỷ lục mới, với tổng doanh thu ròng lên đến 3,1 tỷ USD. Theo công bố từ công ty Mondelez International, đã có tới hơn 92 triệu chiếc bánh cookie được bán ra mỗi ngày, trên hơn 100 quốc gia.

Tuy nhiên, trong một sự xoay vần của số phận, Hydrox đã quay trở lại và một lần nữa gây chiến với Oreo. Theo thông tin từ trang Digital Commerce 360, lần này Hydrox đã hợp tác với sàn thương mại điện tử Amazon để nhằm khôi phục lại vị trí của họ trên thị trường và cho đến thời đó thì “trận chiến” giữa 2 hãng bánh này vẫn chưa mang lại bất cứ kết quả gì tốt đẹp hơn cả.

Vào năm 2015, công ty Leaf Brands đã một lần nữa đưa thương hiệu bánh Hydrox quay trở lại thị trường. Tuy vậy, cái cách mà họ thực hiện điều này vẫn mang đầy sự thù hằn và đối với họ mà nói, những sản phẩm bánh từ Oreo vẫn là những “sản phẩm nhái” và họ khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng chúng. Công ty này cũng kêu gọi người tiêu dùng chú ý hơn đến những thành phần nguyên liệu để sản xuất ra những chiếc bánh từ Hydrox, rằng họ sử dụng đường mía thật (thay vì trong bánh Oreo chứa xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao) và những nguyên liệu khác có độ nguyên chất và độ sạch cao hơn, ví dụ như dầu thực vật, hương vị nhân tạo và những loại thực phẩm biến đổi gen khác…

Vào năm 2016, lợi dụng việc công ty Mondelez International đã sa thải nhiều công nhân Hoa Kỳ để di dời một số công đoạn sản xuất của họ sang một nhà máy có trụ sở tại Mexico và việc Tổng thống Donald Trump chỉ trích các nhà sản xuất Oreo vì đã sản xuất ở nước ngoài, Leaf Brands đã ngay lập tức chớp thời cơ và đưa ra một tuyên bố khẳng định rằng, Hydrox đã góp phần duy trì và tạo ra nhiều công việc hơn cho người lao động tại Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, Hydrox cũng đã nhanh chóng đóng một con tem trên bao bì có dòng chữ “Tự hào được sản xuất tại Hoa Kỳ”, cộng thêm một lá cờ của Hoa Kỳ được in bên cạnh để nhằm gia tăng lợi thế cho danh tiếng của công ty này.

Việc quay trở lại thị trường của Hydrox dường như đã đạt được rất nhiều kết quả thành công. Trang Bakeryandsnacks.com đã đưa ra báo cáo rằng, doanh số bán hàng của Hydrox từ năm 2016 đến năm 2017, đã gia tăng hơn 2.406% và tích lũy được một lượng doanh số lên đến hơn 492.000 USD. Mặc dù con số này vẫn còn thua xa vị trí thống trị áp đảo của Oreo trên thị trường, tuy nhiên dù sao đi chăng nữa, đây cũng là một sự tăng trưởng vô cùng ấn tượng.

Sự cạnh tranh giữa Hydrox và Oreo ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn

Theo những thông tin từ Food Business News, căng thẳng từ sự cạnh tranh này ngày càng leo thang khi Leaf Brands đệ đơn kiện Mondelez International vào tháng 8 năm 2018. Họ đòi bồi thường 800 triệu USD vì công ty Mondelez International đã khiến cho họ bị thiệt hại lớn về “doanh thu và danh tiếng”. Họ cáo buộc công ty Mondelez đang sử dụng “sức mạnh khổng lồ” của họ trong thị trường, để đặt các sản phẩm ở những vị trí thuận lợi nhất trong cửa hàng và ép các sản phẩm của những đối thủ cạnh tranh của họ phải trưng bày sản phẩm của mình ở những vị trí bất lợi khác.

Trên trang Facebook của Hydrox Cookies, họ đã đăng tải những hình ảnh từ các cửa hàng tạp hóa cho thấy, những sản phẩm của công ty họ bị khuất sau những kệ trưng bày khác và được đẩy ra phía đằng sau các sản phẩm bánh kẹo khác. Thậm chí, cách trưng bày các sản phẩm của họ cũng bị sai lệch đến nỗi, gần như người tiêu dùng chỉ có thể thấy các đầu túi của những sản phẩm bánh Hydrox mà thôi. Điều này thật sự ảnh hưởng rất nhiều đến việc kinh doanh của hãng bánh này.

Ngược lại, công ty Mondelez International cũng đưa ra những phản hồi kín tiếng thông qua người phát ngôn của họ như sau: “Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ sự phản ảnh nào về việc này, nhưng chúng tôi tin rằng lời buộc tội này là hoàn toàn không có cơ sở và không có giá trị. Thương hiệu Oreo là một thương hiệu mang tính biểu tượng của nước Mỹ và có bề dày lịch sử lâu dài. Chúng tôi tự hào với việc cung cấp các sản phẩm bánh có hương vị tuyệt vời và mang tới khách hàng những sự đổi mới đầy thú vị trong hơn một thế kỷ gần đây. Chính nhờ yếu tố quan trọng này và nhờ những sự cam kết đầy trung thực trong hoạt động sản xuất và kinh doanh đã khiến cho những sản phẩm bánh cookie từ thương hiệu Oreo được toàn thể người tiêu dùng tin tưởng và trở thành loại bánh được yêu thích nhất của Mỹ”.

Hương vị của bánh cookie Oreo và Hydrox khác nhau như thế nào?

Với những sự ra mắt và cải tiến ngày càng mạnh mẽ của những dòng sản phẩm bánh cookie, những chuyên gia kiểm định hương vị đã rất nóng lòng muốn nếm thử 2 loại bánh đến từ 2 thương hiệu này để có thể đánh giá và so sánh chúng với nhau.

Một trong những chuyên gia này đã chia sẻ với Food Crumbles rằng: 2 loại bánh này “có hương vị rất khác biệt”. Bánh cookie Oreo được mô tả là “đắng hơn một chút” và có hương vị “ít giống như hương vị của sô cô la”. Trong khi đó, Hydrox được cho là có nhân ít ngọt hơn và độ giòn được cải thiện đáng kể so với bánh Oreo.

Trong một cuộc “đọ sức” giữa các loại bánh cookie thì sản phẩm đến từ thương hiệu Hydrox đã được tán thưởng vì có “lớp kem mịn hơn”, có hương vị tinh tế và vị ngọt cân bằng hơn một chút. Đối với lớp bánh quy của Hydrox thì chúng có ” hương vị sô cô la mạnh hơn và vị đậm vị cacao hơn”. Ngược lại, hương vị socola của bánh Oreo thì “nhẹ hơn” và miếng bánh “dễ bị vỡ vụn hơn”. Lớp kem của Oreo cũng có “vị ngọt gắt hơn một chút”. Nhìn chung, vị chuyên gia kiểm định đó đã tuyên bố rằng, anh ta “hoàn toàn cảm thấy sửng sốt trước hương vị và chất lượng của những chiếc bánh cookie Hydrox”.

Tuy nhiên, trong một cuộc thử nghiệm với 10 nhãn hiệu bánh quy khác nhau mà nhóm biên tập Epicurious đã thực hiện, thì 2 thương hiệu bánh cookie là Oreo và Hydrox đã không lọt vào danh sách top đầu của cuộc thử nghiệm này.

Vì cả 2 loại bánh đều có số lượng lớn người hâm mộ và yêu thích, vậy nên có vẻ như “cuộc chiến cookie” của 2 thương hiệu này sẽ chẳng bao giờ có hồi kết và có thể nó sẽ bùng nổ trong vòng 100 năm tới.

Nguồn: Cafebiz

Có thể bạn quan tâm:
NUỐT CÁ LỚN – BÍ MẬT THAY ĐỔI CUỘC CHƠI TỪ NHỮNG THƯƠNG HIỆU SINH SAU ĐẺ MUỘN TRÊN THỊ TRƯỜNG

ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

0
0 477
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments