Xây dựng thương hiệu, đổi mới thiết kế bao bì để “hồi sinh” các làng nghề truyền thống
Phương thức sản xuất độc lập truyền thống, quảng bá nhỏ lẻ, không có chiến lược kinh doanh cụ thể và thiết kế bao bì nhạt nhoà, trùng lặp, chưa bắt kịp với thị hiếu của người tiêu dùng đã khiến nhiều hộ dân làng nghề lao vào sản xuất mà không tiêu thụ được hàng hoá.
Đối với công tác xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề, hợp tác với các doanh nghiệp hoặc nền tảng chuyên về thiết kế và nghiên cứu thị trường được xem là một trong những phương án hiệu quả nhất.
Xây dựng thương hiệu giúp ổn định đầu ra cho sản phẩm làng nghề
Với hơn 5.411 làng nghề và làng có nghề, số hộ và cơ sở ngành nghề ở nông thôn tăng lên với tốc độ bình quân 8,8-9,8%/năm1, trong đó chỉ riêng ngành thủ công mỹ nghệ đã tạo ra mặt hàng chủ lực của làng nghề, thu hút khoảng 1,5 triệu lao động, mang lại giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD mỗi năm, công tác phát triển các làng nghề truyền thống đang là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ.
Việc xây dựng thương hiệu làng nghề không chỉ đơn thuần là để quảng bá tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ, mà còn là giải pháp lâu dài hướng tới mục tiêu phát triển bền vững kinh tế nông thôn, thúc đẩy ngành du lịch trong nước, đồng thời khẳng định vị thế của các sản phẩm làng nghề Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, hầu hết làng nghề, doanh nghiệp làng nghề chưa có bộ phận chuyên trách về thiết kế bao bì, phát triển thương hiệu; tình trạng làng nghề chưa thực sự chú trọng đổi mới thiết kế theo thị hiếu của người tiêu dùng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, do đó đứng trước nguy cơ mai một vẫn đang tồn tại ở nhiều nơi.
Các chuyên gia cho rằng, để tạo dấu ấn cho thương hiệu làng nghề, bên cạnh một sản phẩm tốt, cần tập trung cải tiến về mẫu mã, thiết kế; nâng cao và đảm bảo độ ổn định của chất lượng; có bao bì phù hợp, độc đáo, tránh tình trạng thiết kế trùng lặp, lạc hậu, thiếu tính thẩm mỹ và sáng tạo, thậm chí không có bao bì để đánh dấu nhãn hiệu trên sản phẩm… Song song với cải tiến mẫu mã, doanh nghiệp cũng phải đảm bảo tính truyền thống và bản sắc vùng miền, địa phương trong sản phẩm.
Có thể nói, đi tìm dấu ấn thương hiệu, nhãn hiệu cho làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống chính là tìm kiếm sự bình đẳng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, từ đó mang lại giá trị kinh tế, góp phần khôi phục, mở rộng sản xuất, “hồi sinh” các làng nghề truyền thống.
Hợp tác để vượt qua khó khăn, định vị thương hiệu làng nghề
Hợp tác quốc tế liên ngành giữa các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đang trở thành xu thế mới trong bối cảnh hội nhập. Đây được coi là một trong những giải pháp tối ưu giúp doanh nghiệp đưa hàng thủ công mỹ nghệ Việt đến gần hơn với người tiêu dùng, đóng vai trò then chốt trên chặng đường phát triển lâu dài của doanh nghiệp.
Quả thực, tại Châu Á, có rất nhiều doanh nghiệp đã tìm được chỗ đứng cho mình tại thị trường nội địa và quốc tế, trong đó phải kể đến câu chuyện của nhà sản xuất đồ dùng gốm sứ tráng men nhà bếp Thai First Enamel. Dù là nhà phân phối sản phẩm nổi tiếng của nhiều khách hàng lớn, việc thiếu một chiến lược phát triển dài hạn dưới tư cách là một thương hiệu độc lập đã đặt Thai First Enamel vào thế bị động trong chuỗi cung ứng, tước đi quyền định giá sản phẩm và vị thế của thương hiệu trên thị trường. Những khó khăn mà Thai First Enamel gặp phải có nhiều điểm tương đồng với các doanh nghiệp địa phương tại Việt Nam: Dù có thế mạnh về nguồn nhân lực dồi dào với tay nghề cao, tình trạng chưa am hiểu thị trường và hành vi người tiêu dùng dẫn đến tính thiếu sáng tạo trong thiết kế mẫu mã trở thành một rào cản lớn trên hành trình xây dựng thương hiệu làng nghề.
Trước tình hình đó, Thai First Enamel quyết định bắt tay với Taiwan Design Research Institute (TDRI) – đơn vị chuyên kết nối các doanh nghiệp quốc tế với những công ty nghiên cứu và thiết kế tại Đài Loan – để hiện thực hoá mục tiêu phát triển thương hiệu độc lập. Nhờ sự kết nối của TDRI, vào năm 2018, thương hiệu trực thuộc AROYA ra đời, là công ty chuyên cung cấp dụng cụ nhà bếp cao cấp với giá cả phải chăng. Với vai trò cầu nối, TDRI đã “bắc cầu” cho nhà sản xuất này hợp tác với công ty nghiên cứu thị trường IPCOS và đội ngũ xây dựng thương hiệu VOCUIS. Đây là những đối tác có uy tín với chuyên môn nghiên cứu thị trường, vạch ra những hướng đi mang tính chiến lược để định vị thương hiệu cho dòng sản phẩm cao cấp của AROYA.
Cùng với đó, không thể thiếu đi những thiết kế vừa kết hợp hài hoà các đặc trưng truyền thống, vừa phù hợp với cuộc sống hiện đại trong một chiến lược phát triển lâu dài. Vì thế, TDRI đã giới thiệu Studio Shikai, một công ty Đài Loan giàu kinh nghiệm và sáng tạo phụ trách thiết kế sản phẩm dụng cụ nhà bếp cho AROYA. Bằng cách kết hợp văn hoá Thái Lan độc đáo và phong cách phương Tây hiện đại, Studio Shikai đã giúp AROYA tạo nên một thương hiệu đậm chất Thái mà vẫn đáp ứng nhu cầu, thẩm mỹ của đông đảo người tiêu dùng quốc tế.
Câu chuyện hợp tác để thay đổi diện mạo cho mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của Thai First Enamel là minh chứng rõ nét nhất cho tính hiệu quả của giải pháp hợp tác liên ngành trong xu thế hội nhập quốc tế ngày nay. Với sự hỗ trợ của những “cầu nối doanh nghiệp” thấu hiểu thị trường như TDRI, các nhà sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ địa phương tại Châu Á nói chung và các làng nghề Việt Nam nói riêng sẽ có cơ hội hợp tác với đơn vị đối tác có chuyên môn sâu về mọi lĩnh vực như nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu, thiết kế, truyền thông… để xây dựng được chiến lược phát triển một cách nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm nhất.
Với triết lý “Kiến tạo giá trị từ thiết kế”, TDRI luôn áp dụng các tiến bộ công nghệ và những xu hướng tiêu dùng mới với mục tiêu đồng hành cùng các doanh nghiệp địa phương trên chặng đường thay đổi bộ nhận diện, khẳng định dấu ấn riêng của mình trên thị trường nội địa và quốc tế.
Nguồn: Brandsvietnam