Thương mại điện tử và game Việt Nam có bước nhảy ngoạn mục
Điểm tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam đã có bước tiến ngoạn mục, vượt 10 bậc, từ vị trí thứ 12 lên vị trí số 2 trong tổng số 20 quốc gia dẫn đầu lĩnh vực này…
Báo cáo tăng trưởng ứng dụng được Adjust phối hợp cùng Facebook thực hiện đưa ra đã cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường Việt Nam ở hai mảng ứng dụng game và thương mại điện tử.
Thương mại điện tử – Một trong số thị trường phát triển nhanh nhất
Năm 2020 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương nổi lên trong trong ngành với 2 cái tên là Hàn Quốc và Việt Nam, là hai thị trường phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực thương mại ưu tiên thiết bị di động. Tại Việt Nam, ứng dụng có nhiều đất để dụng võ vì thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác và người dùng luôn muốn được khám phá những điều mới mẻ.
Năm 2019, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 12 trên tổng số 20 quốc gia với điểm tăng trưởng 30,22 trong khi đó điểm trung bình toàn cầu là 28,06. Trong năm 2020, điểm tăng trưởng ngành thương mại điện tử Việt Nam đạt khoảng 37 điểm.
Đứng sau Hàn Quốc và Việt Nam trong top 20 quốc gia có điểm số tăng trưởng cao nhất toàn cầu ở lĩnh vực này là Myanmar, Ai Cập, Trung Quốc, Colombia, Mỹ. Trung Quốc tiếp tục đứng cao trong bảng điểm tăng trưởng bởi đã ngăn chặn thành công đại dịch Covid-19 và khôi phục nền kinh tế nên đã không ảnh hưởng lớn đến hành vi tiêu dùng và sự tăng trưởng liên tục của hoạt động mua sắm online.
Sự tăng trưởng phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử của Việt Nam cũng đã được ghi nhận trong một số báo cáo nghiên cứu gần đây. Báo cáo Kinh Tế Số Đông Nam Á (SEA) 2020 của Google, Temasek và Bain & Company nhấn mạnh, ngành Thương mại điện tử ở Việt Nam tăng trưởng 46% và Việt Nam là nước có tỉ lệ người dùng Internet mới cao nhất trong khu vực Đông Nam Á với 41%.
Còn theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, với tốc độ tăng trưởng 18% và quy mô đạt 11,8 tỷ USD, Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử 2 con số năm 2020.
Cũng theo báo cáo nghiên cứu này, game là ngành phát triển nhanh nhất thế giới. Hai ngành theo sau là kinh doanh và giải trí vì người dùng phần lớn làm việc và stream tại nhà. Tiếp đó là các lĩnh vực về sức khỏe, tiện ích, du lịch, ấn phẩm, thương mại điện tử và ăn uống…
Tiềm năng tăng trưởng ngành Game
Các chuyên gia nhận định, game là lĩnh vực đại thành công trong năm 2020. Là ngành đứng đầu bảng điểm tăng trưởng, game sẽ tiếp tục là trào lưu gây bão thị trường, và các mô hình kinh doanh sáng tạo như hypercasual sẽ gặt hái được nhiều thành công. Sở hữu tệp người dùng lớn cùng một tương lai tăng trưởng vượt bậc, game trở thành điểm đến nghiêm túc của nhiều nhà đầu tư.
Trong số 20 quốc gia toàn cầu có mức độ tăng trưởng ngành game năm 2020, Việt Nam đã tăng 4 bậc so với năm 2019 về điểm tăng trưởng, chỉ sau Argentina. Kết quả tăng trưởng này được chỉ ra là do có sự trỗi dậy mạnh mẽ của một ngành công nghiệp nội địa trên mọi khía cạnh. Việc một số studio game có tiếng cho ra đời nhiều tựa game sáng tạo và chất lượng đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, từ đó đẩy mạnh chiến lược tăng trưởng người dùng.
Trong số đó không thể không nhắc đến những cái tên tiêu biểu như Amanotes, OneSoft, VNG Studios, và Appota… Đơn cử như Amanotes- một startup Việt Nam về game âm nhạc trên di động đã khuấy động thị trường ứng dụng di động toàn cầu. Số liệu theo báo cáo từ App Annie tháng 5/2020, có 1 tỷ người sử dụng smartphone trên toàn cầu, phần lớn từ châu Âu và Bắc Mỹ đã tải về các ứng dụng âm nhạc mang thương hiệu Amanotes. Trong các bảng xếp hạng top 10 game âm nhạc di động phổ biến trên toàn cầu, hơn một nửa trong số đó đến từ Amanotes…
Báo cáo cho rằng, cả Trung Quốc và Việt Nam đều đang tập trung nguồn lực vào mô hình ưu tiên thiết bị di động. Đây đều là nơi sinh ra những bậc thầy về kiếm tiền từ quảng cáo và điểm tăng trưởng cao cho thấy con đường đi đúng đắn của các ứng dụng chú trọng chiến lược tăng trưởng người dùng và mô hình tạo doanh thu từ quảng cáo.
Dựa trên bản đồ tốc độ tăng trưởng và xu hướng giữ chân người dùng trong năm 2020, báo cáo cho thấy khả năng phục hồi phi thường của nền kinh tế dựa trên ứng dụng.
Ông Andrey Kazakov, CCO tại Adjust cho rằng, các nhà marketing rất cần có một lộ trình để xác định đúng người dùng có giá trị, đến từ đúng khu vực địa lý, và biết đến ứng dụng vào đúng thời điểm trong hành trình của mình. Với dữ liệu đến từ Adjust, và thông tin về thị hiếu và hành vi của người dùng đến từ Facebook, báo cáo hứa hẹn sẽ giúp các nhà marketing tiếp cận và giữ chân người dùng quan trọng nhất.
Nguồn: VNEconomy