Nhận diện thương hiệu cho các Start-up và SMEs
Khi mới bắt tay vào kinh doanh, bạn có nhiều khao khát và dự định lớn lao. Biết bao công việc của một doanh nghiệp mới mà một chủ doanh nghiệp phải giải quyết. Bất kể nền tảng kinh nghiệm của bạn là gì, những người lần đầu làm kinh doanh đều phải đối diện với nhiều thách thức lạ lẫm. Một trong những công việc đầu tiên mà bạn cần nghĩ tới khi bắt đầu thành lập một doanh nghiệp là thiết kế bộ nhận diện thương hiệu.
Nhận diện thương hiệu là gì? Và Nhận diện thương hiệu của một doanh nghiệp Start-up hoặc một doanh nghiệp nhỏ thì có gì khác biệt so với các công ty lớn đã có nhiều năm lịch sử?
Hiểu một cách đơn giản, Nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp là diện mạo bên ngoài, là lớp áo giúp khách hàng nhận biết về bạn khi lần đầu tiếp xúc. Các doanh nghiệp mới có quy mô nhỏ có nhiều đặc điểm rất khác so với công ty đã có bề dày phát triển. Vì vậy, cách làm nhận diện thương hiệu cho Start-up và SMEs sẽ có những khác biệt nhất định.
Xác định các yếu tố cốt lõi của nhận diện thương hiệu
Cho dù ở quy mô nào, cốt lõi của nhận diện thương hiệu là logo của doanh nghiệp cần phải thể hiện được những tính chất cần có nhất định: ngành nghề kinh doanh, giá trị triết lý, cảm xúc mong muốn khi giao tiếp với khách hàng… Ngoài ra, nếu bản thân doanh nghiệp có những điểm khác biệt độc đáo thì việc thể hiện điều này trong nhận diện thương hiệu là rất cần thiết.
Đôi khi chính doanh nghiệp khó xác định được cho mình điểm khác biệt là gì. Vì vậy, họ sẽ cần sự trợ giúp từ các chuyên gia tư vấn. Hãy xác định thật rõ ràng các năng lực nổi trội của bản thân, điều gì mà doanh nghiệp bạn có thể làm tốt hơn các đối thủ, thay đổi nào mà bạn muốn tạo ra cho thị trường, giá trị nào bạn muốn cung cấp cho khách hàng?… Các nhà tư vấn sẽ giúp bạn chỉ ra các lợi thế cạnh tranh (trong dài hạn và ngắn hạn) để từ đó làm tiền đề thiết kế bộ nhận diện thương hiệu doanh nghiệp.
Nhận diện thương hiệu phù hợp với giai đoạn phát triển
Hãy hiểu rằng nhận diện thương hiệu là kết quả của các mục đích về kinh doanh. Điều đó có nghĩa rằng trong quá trình kinh doanh, rất nhiều yếu tố sẽ thay đổi như: mô hình kinh doanh, quy mô công ty, ngành nghề lĩnh vực kinh doanh, giá trị cốt lõi… Điều này dẫn đến việc đến một lúc nào đó lớp áo bên ngoài của doanh nghiệp cũng sẽ cần phải thay đổi theo.
Do đó, đừng mất quá nhiều công sức trăn trở cho nhận diện thương hiệu thủa ban đầu. Hãy tập trung vào công việc kinh doanh, sử dụng một diện mạo phù hợp cho doanh nghiệp của bạn, đảm bảo tính chuyên nghiệp, thân thiện và tin cậy vừa đủ. Khi doanh thu và quy mô của công ty tăng lên, bạn sẽ biết khi nào mình cần phải thay một bộ nhận diện mới.
Tinh gọn và hiệu quả
Nhận diện thương hiệu giúp cho khách hàng nhận ra bạn ở mọi nơi. Các thành phần của nhận diện thương hiệu không giới hạn ở logo, bao bì, bộ giao dịch văn phòng, hệ thống quảng cáo, giao diện website… mà có thể được phát triển ứng dụng trên mọi hình thức truyền thông online và offline. Tuy vậy, đối với một doanh nghiệp mới, việc xác định các thành phần cơ bản của bộ nhận diện thương hiệu sẽ giúp công ty tiết kiệm chi phí trong giai đoạn đầu phát triển, trong khi vẫn đảm bảo có một giao diện đồng bộ và chuyên nghiệp để phục vụ kinh doanh.
Cho dù nhận diện thương hiệu của bạn có thể thay đổi cùng với quy mô phát triển của doanh nghiệp, hãy chắc chắn rằng bạn đang đặt những bước đầu tiên vững chắc cho công ty của mình. Logo thương hiệu sẽ nói lên nhiều điều về công ty của bạn. Hãy thiết kế một nhận diện thương hiệu mà bạn cảm thấy tự hào về nó và nói lên được những giá trị của doanh nghiệp mà bạn đang nỗ lực gây dựng.
Nguồn: greenwaycreative.vn
Có thể bạn quan tâm: Marketing giỏi phải kiếm được tiền – Cựu CEO Marketing Coca Cola Segio Zyman