Góc nhìn Alan – Lực chuyển kinh doanh văn hóa toàn cầu
Góc nhìn Alan Dành tặng doanh nhân Việt trong thế trận toàn cầu là một cuốn sách mà tiến sĩ Alan Phan viết dành cho tất cả doanh nhân Việt Nam chuẩn bị bước vào hội nhập.
Trong cuốn sách này, tiến sĩ Alan Phan chia sẻ đến độc giả 6 lực chuyển toàn cầu có ảnh hưởng đến những người làm kinh doanh tại Việt Nam và trên toàn cầu trong hai thập kỷ tới. Nếu bạn quan tâm Góc nhìn Alan Dành tặng doanh nhân Việt trong thế trận toàn cầu có thể tìm hiểu cuốn sách này tại đây.
Dưới đây là lực chuyển đầu tiên trong 6 lực chuyển được đề cập trong sách.
1. Căn cơ của văn hoá là những thang giá trị của văn minh Anglo Saxon
Với sự phổ thông của Anh ngữ khắp nơi, ngay cả tại Trung Quốc và các quốc gia Đức, Pháp, Tây Ban Nha…, phần lớn kiến thức nhân loại sẽ bắt nguồn từ tư duy của văn minh Tây Phương. Tôi quan sát là ngay cả các sách vở, tài liệu về Phật Giáo, thư mục tiếng Anh nhiều hơn tiếng Ấn hay tiếng Hoa, nơi xuất phát của tôn giáo này.
Quay qua các diễn biến hiện tại trên thế giới, những tường trình từ CNN, New York Times, Reuters, Economist…không những có một số lượng bài vở nhiều hơn, mà còn mang một tỷ trọng lớn hơn trong việc đúc kết dư luận thế giới.
Trên căn bản này, góc nhìn và phân tích của mọi vấn đề sẽ mang mầu sắc tự do cá nhân, năng động, sáng tạo, dân chủ, đa dạng và đa nguyên. Đây cũng là những cột trụ của văn hoá Mỹ.
2. Tốc độ của công nghệ mới sẽ thu ngắn tiến trình lan toả và hấp thụ
Facebook đã phát triển lượng thành viên từ 12 triệu (2007) lên đến 1,5 tỷ người (2015). Đây là một cuộc cách mạng về truyền thông xã hội (social media) nhanh nhất lịch sử. Microsoft phải mất đến 15 năm mới đem hệ điều hành Windows đến khắp thế giới và Google cũng phải mất 11 năm mới tạo thói quen cho trí thức về việc tìm kiếm.
Ngày nay, một video phổ thông gởi lên YouTube như Gangnam Style phát tán đến 2.2 tỷ người xem; hay một video game bán chạy nhất như Tetris có đến 143 triệu người mua trong vài tháng.
Vì quá nhiều thông tin, trò chơi và nghiên cứu tràn ngập Internet, bất cứ sản phẩm nào xâm nhập vào “database văn hoá” và tạo thói quen cho đa số nhân loại phải là một đặc thù vượt trội mọi đối thủ. Sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường sẽ loại bỏ những sản phẩm trung bình, sao chép và mang bản sắc địa phương. Ứng dụng vào văn hoá toàn cầu phải đi qua đám mây Internet và phải tạo thích thú cho phần lớn người sử dụng.
3. Ảnh hưởng tương quan từ nhiều nguồn gốc
Dĩ nhiên, vì ảnh hưởng rộng lớn đến từ sức mạnh kinh tế, công nghệ và quân sự của Âu Mỹ, nên đặc trưng nền văn hoá Âu Mỹ sẽ áp đảo phần lớn “văn hoá toàn cầu”. Toàn thế giới vẫn nhìn về các trào lưu mới từ Âu Mỹ để định hướng sinh hoạt; và những tài sản mềm của Wall Street, Silicon Valley hay Hollywood đã khống chế tư duy của đa số giới trẻ.
Tuy nhiên, ảnh hưởng này không phải một chiều. Số chuyên viên Ấn, Hoa, Trung Đông tại Silicon Valley và Wall Street càng ngày càng nắm giữ nhiều chức vụ quản lý cao cấp tạo nên một mạng lưới với những suy nghĩ cổ truyền từ Phương Đông. Trong khi đó, số diễn viên tài tử gốc Phi Châu và Latin gia tăng nhanh chóng tại Hollywood đem lại những lăng kính không chút Anglo Saxon nào trong sự đóng góp vào văn hoá toàn cầu.
4. Các xung đột chủng tộc và tôn giáo sẽ gây nhiều biến thái
Dĩ nhiên, khi có “chung” thì phải có “đụng”. Ngoài những tranh cãi logic về lý thuyết và thực dụng, các kiên định về mầu da, bản sắc dân tộc, tập tục cổ truyền cũng như tín ngưỡng sẽ tạo những điều chỉnh nhiều khi đi ngược với nguyên lý “cởi mở”, “hội nhập” và “hoà đồng” của nền văn hoá toàn cầu.
Để tránh những xung đột này, văn hoá toàn cầu có thể trở nên “không bản sắc”, “mờ nhạt” và “do dự”. Từ đó, tư duy và phương cách sống của giới trẻ cũng mất đi những lý tưởng cuồng nhiệt, những góc cạnh sắc bén, những ý chí dũng cảm… đã góp phần lớn vào việc phát triển các nền văn minh cổ truyền. Không còn trắng đen, mà chỉ là mầu xám.
5. Mặt trái của văn hoá toàn cầu là vô cảm, phiến diện và hưởng thụ
Nếu văn hoá melting pot của Mỹ là một dấu hiệu, nền văn hoá toàn cầu sẽ biến đa số giới trẻ thành một đám đông sống theo sở thích cá nhân, say mê hưởng thụ và tìm những thoả mãn nhất thời (instant gratification). Và để đạt đến mục tiêu này, họ cần phải chăm chú vào việc kiếm tiền, mua sắm, khoe của…
Ngoài kiến thức sâu rộng cho ngành nghề chuyên môn, giới trẻ quá bận rộn để có thì giờ tìm chiều sâu cho những đề tài sự kiện khác. Các kiến thức sẽ đến từ những mành vụn nhấp nhô (sound bites) qua TV, Facebook, Twitter
Hệ quả của sự phiến diện này là những quyết định dựa trên trào lưu, đám đông, và các thủ thuật “hướng dẫn dư luận” của nhóm lợi ích, nhóm chính trị gia, nhóm tư bản…
6. Khung phát triển của văn hoá toàn cầu
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là nền văn hoá toàn cầu sẽ đặt căn bản trên sự tự do lựa chọn, quyền phát biểu ý kiến cá nhân và việc theo đuổi mục tiêu hạnh phúc dựa trên mong muốn của mỗi người.
Căn bản này là thành tố của một thế giới dân chủ, cởi mở, bình đẳng về chính trị; một nền kinh tế hoàn toàn tuỳ thuộc vào thị trường và mọi liên thông dễ dàng về tài chánh, thương mại, giáo dục, thông tin.
7. Văn hoá là nền tảng của xã hội và con người
Tôi luôn tin rằng tư duy tạo hành động, hành động thành thói quen, thói quen trở nên định mệnh. Ảnh hưởng sâu đậm của văn hoá sẽ đúc kết nên tư duy ban đầu và sau cùng định mệnh lại kết nối vòng tròn để tạo hình cho văn hoá.
Do đó, nếu đoán bắt được trào lưu văn hoá của người tiêu dùng, các doanh nghiệp sẽ hiểu mình cần làm gì để đáp ứng được nhu cầu của họ. Trong nền kinh tế thị trường, người bỏ tiền ra mua sản phẩm của bạn là nhân vật có tiếng nói sau cùng. Chuẩn bị cho nền văn hoá toàn cầu là sẵn sàng để đưa sản phẩm của mình tiếp cận với cả thế giới, đang biến đổi nhanh chóng và lan phủ khắp nơi.
Leonard Da Vinci hiểu rõ tiến trình này “Những người thành đạt ít khi ngồi yên chờ đợi sự cố xẩy đến với họ. Họ bước ra ngoài thế giới và đón nhận thách thức”
Nguồn: Sách Góc nhìn Alan – Dành tặng doanh nhân Việt trong thế trận toàn cầu
Có thể bạn quan tâm: GÓC NHÌN ALAN – DÀNH TẶNG DOANH NHÂN VIỆT TRONG THẾ TRẬN TOÀN CẦU