Gen Z Nhật Bản – một thế hệ siêu tiết kiệm nhưng lại khiến chính phủ Nhật cực kỳ lo ngại
Nếu vào năm 2019, Nhật Bản vừa hé mừng vì Thế hệ Gen Z Nhật Bản có dấu hiệu giảm tiết kiệm, gia tăng chi tiêu; thì năm 2021 đã chấm dứt tất cả.
“Dù có tiền từ trên trời rơi xuống, tôi cũng không tiêu”
Millennials (1981 – 1996) – hay Gen Y – là thế hệ chào đời trúng ngay thời kỳ Bong bóng Kinh tế. “Tuổi thơ của họ là ‘thập niên mất mát’, và điều đó gây tác động khủng khiếp lên tâm lý” – Yusuke Shimoda (nhà kinh tế) phân tích.
“Thập niên mất mát” là cụm từ chỉ thời kỳ trì trệ kéo dài từ năm 1990 – 2000 ở Nhật Bản. Trong suốt 10 năm ấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ nhích lên có 0,5%. Nhiều hộ gia đình Nhật Bản đang ở mức khá giả bị đẩy xuống thành hộ nghèo. Họ bắt buộc phải chi tiêu tằn tiện.
Vừa bước qua “thập niên mất mát”, Nhật Bản lại rơi vào Khủng hoảng Kinh tế Toàn cầu 2007 – 2009. Tiếp theo là thảm họa kép sóng thần và hạt nhân năm 2011. “Tính đến thời điểm này, toàn bộ cuộc đời Millennials là khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng” – Shimoda tiếp tục. Kết quả, họ không màng tới ăn tiêu, chỉ lo gom góp để dành, đề phòng lỡ xảy ra chuyện không may trong tương lai.
“Tôi thấy không cần phải sắm đồ” – Kaoruko Shimada (1996) chia sẻ vào năm 2016. “Mục tiêu của tôi là hướng đến một cuộc sống siêu tối giản. Ngay cả khi nhặt được tiền từ trên trời rơi xuống, tôi cũng không lấy nó ra mà hoang phí”.
82% có tiền tiết kiệm trong tài khoản
Hầu hết các Millennials Nhật Bản có chung suy nghĩ với Shimada. Họ sẵn sàng cắt giảm mọi khoản chi tiêu, lập tài khoản tiết kiệm và chăm chỉ gửi tiền vào. Nối tiếp Millennials, Gen Z (1997 – 2012) cũng điên cuồng tiết kiệm. Vào đầu năm 2020, Tập đoàn Tài chính Tiêu dùng SMBC Nhật Bản tổng kết tình hình gửi tiết kiệm của nhóm khách 9X. Họ cho biết bình quân, số tiền tiết kiệm trong năm 2019 là 530.000 yên/người (khoảng 129 triệu đồng tiền Việt).
Năm 2020, Nhật Bản rơi vào đại dịch Covid-19. Như bất cứ quốc gia nào bị virus corona hoành hành, họ cũng mất mát việc làm, suy giảm thu nhập. Thế nhưng sau 1 năm, số tiền tiết kiệm trung bình của 9X lại lên gấp 1,36 lần. Theo báo cáo hồi đầu năm 2021 của SMBC, bình quân tiền tiết kiệm năm 2020 ở nhóm khách 9X là 720.000 yên/người (khoảng 153,4 triệu đồng). Nó nhiều hơn năm 2019 hẳn 190.000 yên (khoảng 40,5 triệu đồng).
Đặc biệt, tỷ lệ 9X có tiền tiết kiệm chiếm hẳn 82% độ tuổi 20. Xét ra, chỉ 18% người thuộc độ tuổi 20 ở Nhật Bản không có tiền tiết kiệm.
Nguy cơ kéo dài trì trệ tăng trưởng kinh tế
Tối giản là một lối sống đáng khen, nhưng không tốt cho nhu cầu thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Ngay từ năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2012 – 2020, cựu thủ tướng Abe Shinzō (21/9/1954) đã nỗ lực kích thích nhu cầu tiêu dùng. Ông bơm hẳn 280 nghìn tỷ yên vào lĩnh vực kinh tế, thúc giục các công ty, tập đoàn tăng lương.
Năm 2019, Nhật Bản mừng rỡ thông báo đã có dấu hiệu tiêu dùng lạc quan ở Thế hệ Millennials. Tỷ lệ 9X sở hữu ô tô tăng 8%, từ 37% năm 2011 lên 45% năm 2017. Tỷ lệ 9X đi du lịch nước ngoài cũng tăng, từ chiếm 19,8% độ tuổi năm 2015 lên chiếm 25% năm 2017.
Cũng trong năm 2019, 98% sinh viên Nhật Bản mới tốt nghiệp tìm ngay được việc làm. Số hộ gia đình sở hữu khối tài sản từ 30 triệu yên trở lên rơi vào khoảng 12 triệu hộ, chiếm 23% tổng số hộ gia đình cả nước.
“Có lẽ, sự giàu có và cảm giác an toàn về kinh tế khiến giới trẻ Nhật Bản thả lỏng, đẩy mạnh chi tiêu” – Shimoda suy đoán. “Sau hàng thập kỷ bóp mồm bóp miệng, Millennials nhận ra đã đến lúc nên hưởng thụ. Nhờ sự thay đổi này của họ, doanh thu tiêu dùng của Nhật Bản có tiềm năng gia tăng mạnh”.
Và rồi, Covid-19 dập tắt một cách triệt để tia hy vọng mong manh này. “Cho dù có kiếm được nhiều tiền hơn, tôi cũng vẫn ưu tiên tiết kiệm” – Miki Sarumaru (1990) tuyên bố. Giới trẻ Nhật Bản kiên quyết cắt giảm chi tiêu, hài lòng với mức sinh hoạt phí trung bình 30.000 yên/tháng. Họ đặt mục tiêu, sớm thành công tiết kiệm một khoản tiền từ 5 – 30 triệu yên, sau đó mới tính tiếp.
Thay vì mua sắm, Millennials và Gen Z Nhật Bản tận dụng đồ cũ, hàng hóa giá rẻ. “Hàng hiệu không có nghĩa là sành điệu” – Sarumaru khẳng định. “Dù chỉ với quần áo cũ, rẻ tiền, tôi vẫn có thể ăn mặc sang chảnh bằng cách phối đồ thời thượng”.
Thay vì ăn chơi, Millennials và Gen Z Nhật Bản tránh xa rượu bia, tụ tập, du lịch… Theo báo cáo từ Bộ Y tế Phúc lợi và Lao động (Ministry of Health, Welfare and Labor) Nhật Bản, chỉ có dưới 10% giới trẻ là người hay uống rượu. Họ đặt dấu chấm hết cho văn hóa công sở “say đến chết, ngủ gục ngoài đường”.
Nghiên cứu và Tư vấn Du lịch JTB (JTB Tourism Research & Consulting) của Nhật Bản cũng báo cáo, chỉ có 27,6% giới trẻ có kế hoạch du lịch năm 2021. Trong đó: 33% cho biết chỉ đi nếu “gói tốt, địa điểm đẹp”, 30% chỉ đi nếu “giá rẻ, ít người”, 30% chỉ đi nếu “đại dịch kết thúc”.
Nguồn: Nippon