Doanh nhân Mary Kay Ash: Cánh cửa sẽ mở rộng cơ hội cho những phụ nữ sẵn sàng trả giá và dám ước mơ
Doanh nhân Mary Kay Ash là một trong những doanh nhân lớn của Mỹ. Bà là một người phụ nữ năng động, tràn đầy năng lượng. Ở độ tuổi nghỉ hưu, thay vì thư giãn, tận hưởng cuộc sống thì bà bắt đầu kinh doanh với ý tưởng vô cùng độc đáo. Công ty mỹ phẩm Mary Mary được thành lập từ những kinh nghiệm mà bà thu thập được trong nhiều năm qua. Mary Kay đã chứng minh cho thế giới thấy rằng có thể xây dựng sự nghiệp thành công ở mọi lứa tuổi.
Cuộc sống đầy thăng trầm
Bà Mary Kay Ash sinh ngày 12/5/1918 tại Bang Texas, Mỹ. Từ khi còn nhỏ, bà đã phải tự lập trong cuộc sống khi cha bà bị bệnh lao phổi và mẹ bà dành 14 tiếng làm việc trong một cửa hàng ăn nhanh. Bà nhận trách nhiệm chăm sóc cha và liên lạc với mẹ để nhận hướng dẫn những gì bà phải làm và bà luôn kết thúc với câu: “Con có thể làm được con yêu!”. Và đó cũng chính là động lực và phương châm sống của bà sau này. Ở trường học, Mary Kay là một học sinh xuất sắc có khả năng diễn thuyết và tranh luận trước đám đông. Sau bậc trung học, gia đình không đủ khả năng cho bà học đại học vì vậy bà đã kết hôn ở tuổi 17 và sớm có ba người con. Trong thời gian chồng bà phục vụ trong Thế chiến II, bà đã làm công việc bán sách bằng cách gõ cửa từng nhà. Thật ngạc nhiên, chỉ trong vòng sáu tháng, bà đã bán được $25.000 Mỹ kim. Sau khi chồng bà được giải ngũ năm 1938, họ ly hôn, và bà đã quyết định đổi nghề, làm việc cho Stanley Home Products.
Cuộc sống hôn nhân của bà cũng trải qua nhiều bến đỗ nhưng dường như cuộc đời không ưu đãi với một phụ nữ xinh đẹp, tài năng bởi sau cùng, bà vẫn còn lại một mình cho đến khi nhắm mắt.
Người ta nói rằng, Mary Kay kết hôn 3 lần nhưng một vài tài liệu gần đây lại tiết lộ bà đã trải qua tới 7 cuộc hôn nhân trong cuộc đời. Người chồng đầu tiên là Julius Ben Rogers một nhạc sĩ địa phương nổi tiếng ở Houston.
25 tuổi, bà vẫn khao khát được đi học đại học và trở thành một bác sĩ nhưng khi chồng bà từ quân đội trở về và nói muốn ly hôn thì bà đành từ bỏ ước mơ đó vì còn phải làm việc bán hàng để nuôi 3 đứa con.
Trò chuyện với tạp chí People, Mary Kay nói: “Tôi làm việc dưới quyền một giám đốc chi nhánh. Anh ta luôn làm việc theo ý mình và tôi bắt đầu cảm thấy thế giới của mình trở nên chật chội bởi một người đàn ông không muốn tôi thành công”.
Nhưng sau đó, người chồng thứ hai của bà lại chính là giám đốc chi nhánh mà bà phàn nàn – Clarence Blair Eckman. Ông qua đời năm 1947 và họ với nhau 2 người con trai. Người đàn ông thứ ba trong cuộc đời bà là Charles Weaver, anh trai một người bạn của bà.
Ông cũng là nhân viên đầu tiên của Ash khi bà bắt đầu sự nghiệp kinh doanh. Melville Jerome Ash là người đàn ông cuối cùng trong cuộc đời của bà nhưng cũng lại ra đi trước để lại Ash một mình sau ngần ấy những thăng trầm, biến cố.
Sau khi ly hôn, Mary Kay bán hàng cho cửa hàng giới thiệu sản phẩm Stanley. Mục tiêu của bà khi làm việc ở đây là trở thành nữ hoàng bán hàng và để thực hiện mục tiêu ấy, bà tiến hành một cuộc điều tra khách hàng với những câu hỏi và lắng nghe những gợi ý hữu ích để có thể rút ra nghệ thuật bán hàng.
Một năm sau, Mary Kay thực sự trở thành nữ hoàng bán hàng nhưng bà đã nghỉ việc khi phát hiện công ty không làm đúng thỏa thuận của họ. Năm 1953, Kay rời Stanley và làm việc cho công ty thế giới quà tặng.
Với kinh nghiệm sẵn có của mình, bà nhanh chóng phát triển hệ thống bán hàng của công ty tới 43 tiểu bang trên khắp nước Mỹ và có một vị trí trong hội đồng quản trị.
Tuy nhiên sau đó, một nhân viên dưới quyền đã được bà hướng dẫn từ khi mới bắt đầu lại được thăng chức và hưởng mức lương gấp 2 lần đã khiến bà không hài lòng và xin từ chức.
Trong xã hội khi đó sự thăng tiến của một người phụ nữ luôn nằm trong một giới hạn nhất định và điều đó khiến cho Ash cảm thấy bức bối. Mary Kay Ash chia sẻ: “Sự nhàm chán của việc nghỉ hưu đã gây cho tôi một cảm giác bất mãn sâu sắc. Tôi đã đạt được những thành công nhưng sự chăm chỉ và khả năng của tôi chưa bao giờ được đánh giá xứng đáng. Tôi biết tôi không thể thăng tiến hơn nữa bởi đơn giản tôi là một phụ nữ. Không chỉ tôi mà còn rất nhiều phụ nữ khác đã mất đi cơ hội thể hiện mình”. Ban đầu, Ash nghĩ tới việc sẽ viết một cuốn sách về những vấn đề phụ nữ phải đối mặt trong kinh doanh nhưng sau đó, bà nhận thấy sứ mệnh của mình là phải thành lập nên một công ty để hiện thực những lý thuyết đó.
Bà nói: “Tôi hình dung ra một công ty mà ở đó tất cả phụ nữ đều có thể thành công theo khả năng của họ. Cánh cửa sẽ mở rộng cơ hội cho những phụ nữ sẵn sàng trả giá và dám ước mơ”.
Tạo nên một đế chế mỹ phẩm lớn mạnh vào bậc nhất của Mỹ
Đến năm 1963, Ash thực sự khởi nghiệp cùng cậu con trai út Richard với số vốn ban đầu là $5.000, số tiền mà họ tiết kiệm được. Mary Kay đã mở cửa hàng đầu tiên rộng 500 mét vuông tại Dallas vào năm 1963, với thương hiệu mỹ phẩm Mary Kay Inc. Mới đầu công ty chỉ có 9 tư vấn làm đẹp. Bà đã đặt triết lý của công ty dựa trên căn bản niềm tin Kito của bà. Bà nói với những nhân viên của bà rằng, cần phải đặt cho cuộc sống những ưu tiên: trước hết là Thiên Chúa, sau là gia đình và thứ ba mới là công việc. Với hướng dẫn này, bà đã nâng đỡ các nữ nhân viên và trao cho họ những cơ hội mới để đạt tới thành công về tài chánh cũng như đời sống cá nhân của họ.
Những nhân viên đầu tiên của bà là người chồng thứ 6 và 9 người bạn thân. Công ty của bà sản xuất sản phẩm độc quyền và sau đó được bán thông qua mạng lưới các saleswomen hay còn gọi là những tư vấn sắc đẹp.
Như tiêu chí ban đầu khi thành lập công ty, Ash tạo cơ hội cho bất kỳ phụ nữ nào sẵn sàng cống hiến và muốn thể hiện mình. Không lâu sau, bà đã xây dựng được một lực lượng hùng hậu các đại diện bán hàng là nữ.
Mary Kay nói với các nhân viên cuả mình rằng để thành công trong cuộc sống, một người phụ nữ nên đặt thiên chúa lên hàng đầu, sau đó đến gia đình rồi đến công việc. Phụ nữ phải tìm ra cách nào đó để trở thành một người vợ, người mẹ tốt trong khi vẫn hoàn thành công việc của mình.
Trong năm đầu tiên hoạt động, công ty đã thu về một khoản lợi nhuận đáng kinh ngạc gần 200.000$. Với kinh nghiệm xương máu của mình tại hai công ty Stanley và thế giới quà tặng, Mary Kay nhận ra rằng việc khen thưởng nhân viên xứng đáng là rất quan trọng.
Điều đó có thể thúc đẩy họ nỗ lực trong công việc. Vì thế, bà đặt ra giải thưởng lớn là những chiếc xe Cadilac màu hồng trao cho những nhân viên bán hàng xuất sắc nhất. Chiến lược khuyến khích này thực sự có hiệu quả và là một phần trong sự thành công của công ty.
2 năm sau, sản phẩm mà họ bán được trị giá lên tới 1 triệu đô la và đến giờ, mỹ phẩm mang thương hiệu Mary Kay đã có doanh số lên tới 2 tỉ đô la mỗi năm với hơn 1 triệu tư vấn sắc đẹp ở hơn 30 quốc gia trên toàn thế giới.
Công việc kinh doanh bận rộn nhưng Mary Kay vẫn dành thời gian viết sách chia sẻ kinh nghiệm của mình. Bà đã cho xuất bản 3 cuốn sách và cả 3 đều là những cuốn sách bán chạy nhất. Đầu tiên là cuốn tự truyện “Mary Kay” (1981) bán được hơn 1 triệu bản.
Cuốn thứ hai là “Mary Kay on people management” (1984) dựa trên những triết lý kinh doanh của bà và đã được đưa vào chương trình giảng dạy trong các khóa học kinh doanh của Đại học Harvard. Cuốn thứ ba: “You can have it All” (1995) là cuốn sách bán chạy nhất chỉ một ngày sau khi được giới thiệu.
Trong sự nghiệp của mình, Mary Kay cũng nhận được rất nhiều giải thưởng danh giá. Tạp chí Fortune bình chọn công ty Mary Kay là 1 trong 10 công ty tốt nhất cho phụ nữ làm việc. Năm 1985, bà được xếp vào danh sách 25 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất nước Mỹ.
Bà là một trong số ít nữ doanh nhân được kết nạp vào liên bang quốc gia của các doanh nghiệp tư nhân và được Tổng thống khen thưởng năm 1987. Năm 1999, truyền hình Lifetime lại bình chọn Ash là “nữ doanh nhân nổi bật nhất của thế kỷ XX”.
Với sự trải nghiệm sâu sắc nhất của chính mình trong vấn đề phân biệt đối xử với phụ nữ nên trước và sau khi thành công, Mary Kay vẫn luôn dành một sự quan tâm đặc biệt tới phụ nữ. Năm 1996, bà thành lập quỹ từ thiện Mary Kay Ash.
Đây là một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp kinh phí để nghiên cứu sự ảnh hưởng của ung thư đến phụ nữ và hỗ trợ nơi ở, việc làm cho những phụ nữ bị bạo lực. Mary Kay Ash mất năm 2001 cùng con trai Richard Rogers, người đã cùng bà tạo dựng sự nghiệp tiếp quản công ty.
Ngày nay, mục tiêu ban đầu của Mary Kay là trao cho phụ nữ cơ hội thành công không giới hạn vẫn được duy trì và thậm chí còn được nâng lên tầm cao mới. Sự can đảm, tinh thần thép và tầm nhìn xa của Mary Kay Ash tiếp tục giúp phụ nữ khai thác tiềm năng của họ và biến giấc mơ thành hiện thực.
Với 1.800 000 tư vấn viên tại hơn 30 thị trường quốc tế, công ty của Ash vẫn sẽ là câu chuyện thành công lớn trong giới kinh doanh và tinh thần “bạn có thể” vẫn sẽ truyền cảm hứng cho phụ nữ trên toàn thế giới tin rằng họ có thể làm nên những điều tuyệt vời.
Nguồn: Doanh nghiệp hội nhập
Có thể bạn quan tâm: TỦ SÁCH KHỞI SỰ – KHỞI NGHIỆP – LÀM GIÀU