Để xây dựng văn hóa đổi mới trong công ty
Văn hóa đổi mới bắt đầu bằng việc chấp nhận rằng thế giới thực sự đã thay đổi và giữ thái độ cởi mở với những thay đổi sắp tới.
Có rất nhiều mảnh ghép trong bức tranh đổi mới, và với từng tổ chức, chúng lại có diện mạo khác nhau. Do đó, cách mỗi công ty tạo nên nền văn hóa đổi mới là không giống nhau. Tuy nhiên, với các công ty nói chung, quá trình này bắt đầu bằng những tư duy đúng đắn – bạn cần dự đoán được những điều khó lường trước.
Ai có thể nghĩ rằng điện thoại di động sẽ trở thành máy ảnh và máy nghe nhạc? Ai có thể nghĩ rằng những người bình thường, không có hiểu biết về công nghệ lại có thể kết nối xã hội với toàn cầu bằng các thiết bị cá nhân?
Kiểu tư duy này cần phải có ở lãnh đạo cấp cao của công ty và thâm nhập vào mọi cấp độ. Quan trọng nhất là nó bao gồm các yếu tố vô hình của văn hóa công ty: niềm tin, kỳ vọng, và chí hướng của những người trong công ty. Tư duy sáng tạo và tinh thần hợp tác có thể được khích lệ và khen thưởng, hoặc bị ngăn cản theo nhiều cách, cả công khai và tế nhị. Công việc của người lãnh đạo chính là dẫn dắt quá trình này đi đúng hướng.
Trong một môi trường thiếu tính đột phá, mọi người thường có những suy nghĩ như sau:
- “Công ty chúng ta quá lớn để lãng phí thời gian vào những ý tưởng nhỏ nhặt.”
- “Chúng ta muốn có những ý tưởng mới, nhưng tôi được trả lương để làm những công việc hiện tại cơ mà.”
- “Tôi không thấy bộ phận sản xuất và đội marketing từng đề cập về chuyện này.”
- “Chúng ta đang làm rất tốt; hãy đạt tới đỉnh cao với những dòng sản phẩm hiện tại trước khi thử một cái gì đó mới.”
- “Mọi người sẽ hoài nghi về tất cả những sáng kiến thay đổi này.”
Khi trở thành CEO của IBM, Lou Gerstner nhận thấy văn hóa là yếu tố khó thay đổi nhất trong những thứ cần thay đổi. Ông muốn tránh xa nó và chỉ tập trung vào việc thay đổi chiến lược, phân tích, đo lường, những điều ông đã thành công trước đây.
Nhưng trong cuốn “Ai nói voi không thể khiêu vũ” (Who Say Elephants Can’t Dance) ông viết:
“Trong suốt thời gian ở IBM, tôi nhận ra rằng văn hóa không chỉ là một khía cạnh của trò chơi – nó chính là toàn bộ cuộc chơi này. Thật ra, một tổ chức chính là một sức mạnh tổng hợp , được hình thành bởi những người trong tổ chức đó, nhằm tạo nên các giá trị. Tầm nhìn, chiến lược, marketing, quản lý tài chính – bất kỳ hệ thống quản lý nào, trong thực tế – có thể đưa bạn tới con đường đúng đắn và đưa bạn đi lên trong một thời gian ngắn. Nhưng không doanh nghiệp nào – cho dù hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, chính phủ, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, hoặc bất kỳ lĩnh vực nào của đời sống con người – sẽ thành công trên đường dài nếu những yếu tố đó không phải là một phần bản sắc của nó”.
Văn hóa không phải là một trong những vấn đề đơn giản chỉ được nhìn nhận đến sau khi đã giải quyết xong những hoạt động kinh doanh chính. Văn hóa là sự bổ sung cho những quy định chính thức, đã được thiết lập trong quá trình vận hành doanh nghiệp. Sự thấu hiểu và gắn kết đối với sứ mệnh của công ty sẽ dẫn đường cho nhân viên khi họ phải đối mặt với những sự cố bất ngờ chưa được tính đến.
Các công ty rất dễ rơi vào cái bẫy phân tích và tập trung vào các kỹ năng sử dụng não trái như quy trình, đo lường, và triển khai. Các doanh nghiệp đổi mới bền vững nắm chắc các kỹ năng não phải như: tính sáng tạo, trí tưởng tượng, sự chia sẻ, và sự thấu cảm. Không giống như hầu hết các công ty chia những cá nhân vào các bộ phận riêng biệt (chẳng hạn như marketing và kỹ thuật), các doanh nghiệp đổi mới trong việc xây dựng đội ngũ để họ có thể thích ứng khi quy trình và ý tưởng mới ra đời. Điều này giúp mọi người tập trung vào việc hình thành ý tưởng và tập trung phân tích khi sức tăng trưởng của thị trường trong ngành tăng tốc.
Trong các công ty và tổ chức thì những “lãnh địa” đã tồn tại có ngăn cản sự đổi mới hay không? Khi nghiên cứu kỹ, công ty đổi mới là những công ty làm được những điều sau:
Lắng nghe
Cả thành viên nội bộ công ty cũng như những người ngoài công ty thường đưa ra những nhận định và ý tưởng tuyệt vời dẫn đến những đột phá mới.
Giữ thái độ cởi mở
Ý tưởng không phải lúc nào cũng đến từ các chuyên gia. Đôi khi những sáng kiến tuyệt vời nhất lại đến từ những người mới hay người chỉ quanh quẩn ở góc phòng. Các công ty cởi mở thường sáng tạo ra các sản phẩm bán chạy từ những ý tưởng kỳ quái.
Hợp tác
Không công ty nào nắm giữ mọi “quân bài” khi phát triển một phát minh mới. Hợp tác với các tổ chức bên ngoài – các công ty đối tác, các trường đại học, cơ quan chính phủ, và các viện chính sách – thường mang lại những quan điểm và ý tưởng mới lạ cho quá trình sáng tạo.
Tổ chức theo cấu trúc phẳng
Một cơ cấu quản lý phẳng sẽ không có các quy trình phê duyệt dài dòng và các dòng thông tin rời rạc làm cản trở sự đổi mới. Những công ty không thể tạo ra cơ cấu phẳng trong quản lý có thể đạt được kết quả tương tự bằng cách trao quyền cho nhân viên hoạt động độc lập.
Chấp nhận thất bại
Rất nhiều phát minh có tính “nhảy vọt” ra đời từ các kết quả không định trước và, đôi khi, vô tình được tạo ra. Những đột phá như việc phát hiện ra penicillin hoặc sức mạnh của vi sóng đều là do vô tình.
Nền văn hóa đổi mới được hình thành từ thái độ của công ty trong việc chấp nhận rằng thế giới thực sự đã thay đổi. Đã đến lúc cần nhân rộng lối tư duy nhìn nhận thế giới theo nhiều cách mới mẻ.
Nguồn: Quản trị doanh nghiệp