Các xu hướng chuyển đổi số trong doanh nghiệp năm 2020 – 2021
Chuyển đổi số (Digital Transformation) đang dần trở thành xu hướng không thể thiếu cho các doanh nghiệp, tổ chức. Đứng trước tình trạng chạy đua công nghệ gay gắt, các doanh nghiệp giờ đây không thể thờ ơ với những tác động của chuyển đổi số. Dưới đây là 5 xu hướng chuyển đổi số phổ biến nhất trong doanh nghiệp 2020 – 2021, bạn cùng tìm hiểu nhé!
1. Áp dụng điện toán đám mây vào doanh nghiệp
Trong vài năm trở lại đây, điện toán đám mây đã tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp máy tính, thay đổi cơ bản cách thức sử dụng các nguồn tài nguyên, cơ cấu vận hành cũng như việc lưu trữ, phân phối và xử lý thông tin.
Trong hệ thống điện toán đám mây, khối lượng công việc được thay đổi đáng kể. Máy tính tại doanh nghiệp bạn không còn phải làm tất cả những công việc nặng nhọc như chạy các ứng dụng, chương trình nặng.
Thay vào đó, mạng máy tính tạo nên các đám mây sẽ đảm nhận công việc xử lý chúng, giúp bạn tiết kiệm được khá nhiều chi phí cho phần cứng và phần mềm.
Các dịch vụ e-mail trên nền web như Hotmail, Yahoo! Mail hoặc Gmail chính là những ứng dụng phổ biến nhất của công nghệ điện toán đám mây.
Với việc tận dụng điện toán đám mây, doanh nghiệp có thể hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ, tích hợp bảo mật tân tiến và tập trung nghiên cứu những phương pháp mới, sáng tạo để phục vụ khách hàng.
Điện toán đám mây không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu được chi phí, tiết kiệm thời gian mà còn nhanh chóng thúc đẩy giá trị kinh doanh.
2. Nâng cao trải nghiệm của khách hàng
Sản phẩm và dịch vụ không còn chứng minh được tính cạnh tranh khác biệt cho các doanh nghiệp. Trọng tâm đã chuyển hướng sang trải nghiệm mà một thương hiệu có thể đem tới cho họ trong toàn bộ hành trình sử dụng sản phẩm/dịch vụ của khách hàng.
Chăm sóc và cung cấp trải nghiệm cho khách hàng là những bước đi giúp doanh nghiệp cải thiện mối quan hệ với khách hàng tốt nhất. Đặc biệt là trong điều kiện nền kinh tế đang có những bước phát triển mạnh mẽ trong ngành dịch vụ như hiện nay.
Trải nghiệm khách hàng hoàn hảo nhất có được khi doanh nghiệp tạo được kết nối về mặt cảm xúc với một người mua nào đó.
Nghiên cứu thực hiện bởi Journal of Consumer Research cho thấy trên 50% trải nghiệm dựa trên cảm xúc vì cảm xúc dẫn tới thái độ thích/không thích, từ đó mới dẫn tới quyết định mua/không mua.
Thành công trong chuyển đổi số gắn chặt với trải nghiệm của khách hàng (UX/CX). Chính vì thế, phần mềm CRM – ứng dụng công nghệ ra đời như một công cụ hỗ trợ hiệu quả, không đơn giản chỉ là bán hàng, mà còn là nơi lưu giữ thông tin khách hàng, từ đó đưa ra các chiến lược chăm sóc khách hàng hiệu quả.
3. Machine Learning – chuyển đổi số
Trong những năm vừa qua, cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các thuật ngữ như AI – Artificial Intelligence (Trí Tuệ Nhân Tạo) hay Machine Learning (Học Máy hoặc Máy Học) đang dần trở nên phổ biến.
Nhiều người lầm tưởng AI và Machine learning là giống nhau, nhưng trên thực tế thì chúng có những điểm khác nhau.
Machine Learning là một lĩnh vực con của AI, sử dụng các thuật toán cho phép máy tính có thể học từ dữ liệu để thực hiện các công việc thay vì được lập trình một cách rõ ràng. Chatbot là một trong những ví dụ điển hình nhất của Machine Learning.
Trong khi Apple, Microsoft đang rất tự hào với những cô nàng trợ lý ảo dễ thương Siri, Cortana, thì các ông lớn khác như Facebook, Amazon cũng trình làng những trợ lý riêng của họ. Khái niệm chatbot cũng nhờ đó mà trở lên quen thuộc với con người.
Những lợi ích tuyệt vời mà Machine Learning mang lại đó chính là giảm thiểu nhân sự, tiết kiệm thời gian, tối ưu chi phí và giảm thiểu tỷ lệ sai sót,…
Chính vì đem lại hiệu quả cao trong công việc và các lợi ích vượt bậc mà machine learning ngày càng được chú trọng và quan tâm nhiều hơn.
4. Đầu tư cho phần mềm quản lý doanh nghiệp trong thời đại chuyển đổi số
Thực tế cho thấy hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều được tổ chức theo mô hình bao gồm các phòng ban và bộ phận. Mỗi phòng ban lại đảm nhận những vai trò và nhiệm vụ khác nhau.
Để doanh nghiệp có thể vận hành thuận lợi thì cần có sự phối hợp ăn ý giữa các bên. Người quản lý cần nắm được hết thông tin cũng như kết quả hoạt động của các phòng ban.
Tuy nhiên, với khối lượng công việc lớn cùng nhiều nhân sự, các nhà quản lý khó có thể điều hành doanh nghiệp trơn tru nếu không có một công cụ hỗ trợ.
Chính vì vậy, dưới sự chuyển mình của công nghệ số, các phần mềm quản lý doanh nghiệp đã ra đời.
Đứng ở vị trí người quản lý và vận hành doanh nghiệp, thông qua phần mềm, ban lãnh đạo sẽ thấy được tình hình phát triển cụ thể của doanh nghiệp.
Ngoài ra nhà quản lý còn thấy được hiệu quả hoặc các tồn tại cần khắc phục đối với tại các phòng ban/ bộ phận.
Hiện nay, các công ty phát triển phần mềm đã cho ra mắt rất nhiều lựa chọn dành riêng cho nhà quản lý và nhân sự trong doanh nghiệp: phần mềm quản lý tổng thể doanh nghiệp; phần mềm quản lý công việc; phần mềm quản trị nguồn nhân lực; phần mềm quản lý marketing, bán hàng và chăm sóc khách hàng;…
Việc ứng dụng công nghệ vào quản lý doanh nghiệp sẽ thay thế phương pháp quản lý truyền thống bằng quy trình giấy tờ, Excel hay các phần mềm chat miễn phí. Phần mềm quản lý sẽ giúp nâng cao năng suất lao động, tối ưu chi phí và đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.
5. Sự bùng nổ của Blockchain với doanh nghiệp
Công nghệ blockchain ra đời với sức ảnh hưởng mang tính đột phá đã và đang tạo ra một đợt sóng thần công nghệ phủ lên toàn bộ các lĩnh vực ngành nghề từ truyền thống lâu đời cho đến các ứng dụng công nghệ mới nhất.
Năm 2020 có thể là khởi đầu cho sự trỗi dậy của Blockchain. Không chỉ thanh toán và tiền điện tử mà blockchain còn có thể được sử dụng trong an ninh lương thực, bất động sản hoặc quản lý tài sản, thậm chí trong sở hữu trí tuệ hoặc tiền bản quyền.
Blockchain sở hữu rất nhiều nút độc lập có khả năng xác thực thông tin trong truyền tải dữ liệu mà không đòi hỏi bên trung gian để xác nhận thông tin.
Bên cạnh đó, Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu khi một chuỗi Blockchain được quản lý bởi mạng lưới phi tập trung.
Dữ liệu đã được ghi vào một khối thì không thể thay đổi nếu không thực hiện thay đổi ở các khối liền kề.
Hay nói cách khác, thông tin trong Blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Chính vì vậy, đây là hệ thống bảo mật an toàn cao trước khả năng bị đánh cắp dữ liệu.
6. Covid-19 định hình lại xu hướng Chuyển đổi số
Trong bối cảnh dịch Covid-19, việc đầu tư vào công nghệ thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số được xem là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí và tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.
Đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến nền kinh tế trên toàn thế giới biến động. Trong nhiều ngành công nghiệp trên khắp thế giới, nó đã thay đổi mọi thứ theo đúng nghĩa đen.
Công nghệ thông tin là nền tảng hỗ trợ làm việc tại nhà, học trực tuyến và giao hàng tận nơi, đây là những hoạt động rất cần thiết trong tình hình dịch bệnh.
Mua sắm online tăng một cách bùng nổ vì người tiêu dùng lần đầu tiên thấy hết sự tiện lợi của phương thức mua bán này.
Kết quả khảo sát của một tổ chức độc lập tại Việt Nam cho thấy, 82% người tiêu dùng được khảo sát có mua online thời gian cách ly xã hội; trong đó 98% cho biết, sẽ vẫn tiếp tục duy trì mua online trong tương lai.
Không chỉ mua sắm, lần đầu tiên công nghệ thông tin được ứng dụng một cách triệt để vào các hoạt động của đời sống nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp, tránh sự lây lan của virus.
Làm việc từ xa chắc chắn cũng đang trở thành một phương thức làm việc mới, hiện đại. Ngày càng có nhiều người sử dụng các phần mềm hội họp trực tuyến (Zoom đã thêm 2,22 triệu người dùng hàng tháng chỉ trong hai tháng).
Các sự kiện xã hội như các buổi hòa nhạc và lễ hội mà lẽ ra sẽ được tổ chức công khai nhưng giờ đã bị hủy bỏ đã được chuyển sang dạng trực tuyến.
Bên cạnh đó, các phòng trưng bày nghệ thuật và bảo tàng đã áp dụng cách cung cấp trải nghiệm tham quan ảo cho các khách hàng có nhu cầu. Lưu lượng truy cập chơi game trực tuyến cũng tăng vọt trên khắp thế giới.
Nguồn: 1Office