Apple, Google, Tesla,… Những câu chuyện “suýt” phá sản của các ông lớn (P1)
Các công ty lớn như Apple, Google, Tesla…vốn không phải những ngôi sao ngay từ thời điểm ra mắt. Dưới đây là những lý do suýt hạ gục họ.
Với mỗi công ty thành công, thì có hàng trăm các công ty khác thất bại và không có cơ hội được lưu danh vào lịch sử. Nhưng không phải lúc nào khả năng thành công của một công ty cũng đều rõ ràng ngay từ thời gian đầu.
Ngay cả một số công ty hàng đầu ngày nay cũng đã gần như thất bại hoàn toàn, cho dù là do các vấn đề tài chính, các cuộc chiến pháp lý lằng nhằng hay những người tiêu dùng hoang mang. Những công ty này đột phá đến mức các đối thủ cạnh tranh, các nhà đầu tư và thậm chí cả công chúng nghi ngờ về nhu cầu tồn tại của họ.
Dưới đây là 6 công ty lớn với những lý do suýt thất bại khác nhau.
1. Apple
Vào năm 1997, tình hình có vẻ ảm đạm với Apple. Kể từ khi nhà sáng lập Steve Jobs bị ‘hất cẳng’ vào năm 1985, công ty này đã thiếu đi định hướng chiến lược. Vào thời điểm đó, Microsoft và IBM đang có doanh thu máy tính cá nhân cao hơn. Ngược lại, Apple vừa báo lỗ 1 tỷ USD trên 7 tỷ USD doanh thu và sa thải 1/3 lực lượng lao động của nó.
Các dòng sản phẩm khó sử dụng bao gồm tới hàng chục mặt hàng như máy in và máy chủ. Apple chỉ cách tình trạng phá sản 90 ngày. Hệ điều hành của Apple bị lỗi, vì vậy các nhà lãnh đạo của công ty đã mua lại công ty phần mềm mới của Jobs, NeXT. Trong vòng vài tháng, Jobs lại tiếp tục nắm quyền.
Ông nhanh chóng cắt giảm 70% dòng sản phẩm. Tại Macworld Expo 1997, ông đã khiến giới công nghệ sửng sốt khi tuyên bố liên minh với một đối thủ lớn: Microsoft sẽ đầu tư 150 triệu USD vào Apple và Microsoft Office sẽ được hỗ trợ trên Mac.
Jobs đã bị la ó, nhưng ông ấy cũng nhận được sự cổ vũ. Ông giải thích: “Nếu chúng ta muốn tiến về phía trước và chứng kiến Apple khỏe mạnh và thịnh vượng trở lại, chúng ta phải bỏ qua một vài thứ ở đây. Chúng ta phải bỏ qua quan niệm rằng Apple thắng thì Microsoft phải thua.”
Trong vòng một năm, Apple đã biến khoản lỗ 1 tỷ USD thành khoản lãi 300 triệu USD. Jobs đã khởi động chiến dịch “Nghĩ khác biệt” và iMac G3, máy tính để bàn chứa tất cả các chức năng với màu của những viên kẹo. Các sản phẩm tiếp theo là iPod vào năm 2001, sau đó là iPhone vào năm 2007.
Vào năm 2018, hệ sinh thái gồm các sản phẩm, phần mềm và những người hâm mộ cuồng nhiệt của Apple đã biến nó trở thành công ty đại chúng đầu tiên của Mỹ được định giá một nghìn tỷ USD.
2. Google
Vào giữa đến cuối những năm 1990, có hàng tá các công cụ tìm kiếm bao gồm AltaVista. Lycos. Excite. LookSmart. Dogpile. WebCrawler. AskJeeves. Điều đó đặt ra câu hỏi rằng có ai thực sự cần một công cụ khác không?
Một sinh viên Stanford tên là Larry Page đã nghĩ như vậy. Anh nhận ra rằng những công cụ tìm kiếm ban đầu đó không có cách nào chỉ ra những trang web nào đáng tin cậy hơn hoặc có liên quan hơn. Trong khi các bài báo học thuật tính các trích dẫn để thể hiện mức độ liên quan của chúng, thì trang web lại thiếu một cái gì đó tương tự.
Page đặt tên cho dự án mới của mình là BackRub theo tên các liên kết ngược của trang web. Một sinh viên Stanford khác, Sergey Brin, đã tham gia cùng Page để giúp tạo ra một thuật toán sử dụng các liên kết ngược này để xếp hạng mức độ phổ biến của các trang web. Các trang web có nhiều liên kết có nhiều “quyền hạn” hơn và được xếp hạng cao hơn trong kết quả tìm kiếm.
Cặp đôi này rất vui khi thấy rằng kết quả tìm kiếm của BackRub liên quan hơn. Ngoài ra, không giống như các công cụ tìm kiếm khác đang vật lộn để theo kịp sự phát triển của web, thuật toán của BackRub trở nên tốt hơn khi web phát triển hơn. Họ đã đổi tên sản phẩm của mình thành Google và trực tuyến trên trang web của Stanford vào tháng 8 năm 1996.
Trong một vài năm, Google đã đạt được sự tăng trưởng và đầu tư ổn định và bắt đầu phát triển thành một công ty thực sự. Nhưng nó hầu như không giống như một kẻ thay đổi cuộc chơi.
Yahoo là công cụ tìm kiếm thống trị vào thời điểm đó và thậm chí đã cố gắng mua lại Google với giá 3 tỷ USD vào năm 2002. Khi Google ra mắt công chúng vào năm 2004, đợt IPO của nó đã bị lép vế do các nhà đầu tư không chắc rằng một công cụ tìm kiếm có thể thực sự kiếm tiền.
Google đã chứng minh rằng họ đã sai mặc dù công ty này cũng đã trải qua những thất bại như Google Wave, Google Buzz, Google Video, Google Radio Ads… Tuy nhiên, Google đã phát minh ra một ngành, một thị trường và trở thành một động từ. Năm ngoái, công ty mẹ Alphabet Inc đã ghi nhận doanh thu 161,9 tỷ USD.
3. Tesla
Thật bất ngờ khi một trong những người nghĩ tới sự thất bại của Tesla lại chính là người sáng lập của nó, Elon Musk.
Musk từng nói: “Tôi không thực sự nghĩ rằng Tesla sẽ thành công. Tôi đã nghĩ rất có thể chúng tôi sẽ thất bại. Nhưng tôi nghĩ rằng ít nhất chúng ta cũng có thể giải quyết được quan niệm sai lầm khi mọi người cho rằng một chiếc xe điện phải xấu xí, chậm chạp và nhàm chán như một chiếc xe golf ”.
Tesla không thực sự cạnh tranh với những chiếc xe hiện có. Từ lâu, nhiều người đã đặt ra câu hỏi: đó là một công ty phần mềm, một công ty xe hơi hay một cái gì đó hoàn toàn khác?
Suy nghĩ phá cách đó đã gây ra rất nhiều vấn đề. Năm 2008, Tesla phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về chất lượng và chỉ có thể thoát khỏi tình trạng phá sản trong gang tấc.
Sau đó, công ty này cũng phải đối diện với hàng loạt khó khăn: Thời hạn giao xe bị bỏ lỡ khiến khách hàng tiềm năng sợ hãi, Cybertruck gặp vấn đề khi hoạt động vào năm ngoái, các tweet của Musk phá luật lệ của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch và41 giám đốc điều hành đã nghỉ việc từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2018.
Tesla có rất nhiều những người nghi ngờ và ghét bỏ, những người sử dụng tag bắt đầu bằng $TSLAQ để ăn mừng tin tức tiêu cực của công ty này.
Nhưng Tesla vẫn tiếp tục phát triển, ngay cả khi công ty này coi “sự soi xét của các nhà phê bình” là rủi ro đối với hoạt động kinh doanh của mình trong báo cáo thường niên năm 2019.
Có thể vẫn còn những lời chỉ trích, nhưng công ty hiện có rất nhiều người hâm mộ nổi tiếng. Giám đốc điều hành của Volkswagen, Herbert Diess cho biết vào năm ngoái, “Tesla không phải là thị trường ngách… Chúng tôi rất tôn trọng Tesla. Đó là một đối thủ mà chúng tôi rất coi trọng.”
Ngày nay, khi giá pin giảm và Tesla cuối cùng cũng bắt đầu làm chủ lợi thế quy mô, mọi thứ đang trên đà phát triển. Khách hàng đã trở nên trung thành, tương tự như khách hàng của Apple. Trong khi COVID-19 làm giảm nhu cầu về ô tô, doanh số Q3 năm 2020 của Tesla tăng 22% so với Q3 năm 2019 trong khi toàn ngành giảm 9%. Và tính đến giữa tháng 10 năm 2020, giá trị cổ phiếu của Tesla đã tăng 400% trong năm nay, với mục tiêu cung cấp 500.000 xe trong năm 2020.
(còn tiếp)
Nguồn: Cafebiz