4 bài học từ Hetty Green – người phụ nữ giàu nhất lịch sử phố Wall
Từ xuất phát điểm là con gái của một ông trùm săn bắt cá voi cho đến khi trở thành người phụ nữ giàu nhất trong lịch sử Phố Wall, đây là 4 bài học mà tất cả chúng ta có thể học được từ Hetty Green.
Có lẽ bạn đã từng nghe nhiều tới những cái tên như John D. Rockefeller, Andrew Carnegie hay J.P. Morgan, nhưng còn Hetty Green thì sao? Hetty tạo dựng chỗ đứng cho mình như người phụ nữ đơn độc giữa những người khổng lồ ở Thời đại Mạ vàng, và khi qua đời vào năm 1916, tài sản của bà trị giá 100 triệu đô la. Số tiền này gần tương đương 1/500 GNP của Hoa Kỳ vào thời điểm đó, đưa bà lên vị trí thứ 36 trong danh sách 100 người Mỹ giàu nhất từ trước đến nay, đồng thời cũng là phụ nữ duy nhất trong top 100.
Mặc dù một phần tài sản của Hetty được thừa hưởng từ một doanh nghiệp săn bắt cá voi do cha bà điều hành, nhưng bà đã phát triển nó lên một khối tài sản khổng lồ hơn nhờ sự kỷ luật đặc biệt trong cuộc sống tài chính của mình. Bà thường xuyên cho các ngân hàng vay tiền và thậm chí đã bảo lãnh cho thành phố New York vào năm 1898 và một lần nữa vào năm 1901 với các khoản vay hơn 1 triệu đô la. Bà Hetty thường xuyên được xin lời khuyên về sự nhạy bén trong kinh doanh của mình, đặc biệt là trong thời điểm khủng hoảng tài chính.
Từ xuất phát điểm là con gái của một ông trùm săn bắt cá voi cho đến khi trở thành người phụ nữ giàu nhất trong lịch sử Phố Wall, đây là 4 bài học mà tất cả chúng ta có thể học được từ Hetty Green:
1. Tiết kiệm, quả thực có thể là một phước lành… và cũng có thể là một lời nguyền
Bài học tài chính cá nhân sâu sắc nhất của Hetty, cũng là điều khiến bà trở nên nổi tiếng chính là tính tiết kiệm cực độ, thậm chí được xem là hà tiện của mình. Một người phụ nữ trị giá hàng chục triệu đô la không có lối sống xa hoa như những người đồng cấp khác của mình trong Thời đại vàng son. Khi quần áo bị bẩn, bà Hetty chỉ trả tiền để những chỗ bẩn được làm sạch. Khi bị ốm, bà sẽ cải trang và đến phòng khám miễn phí. Khi trời có tuyết, bà đi bộ thay vì thuê xe riêng.
Thậm chí còn có một câu chuyện khó tin nói rằng bà Hetty đã từng mất hàng giờ đồng hồ để tìm kiếm một con tem 2 xu mà bà đã đặt nhầm chỗ sau một chuyến xe dài. Sự tiết kiệm cực độ này là một may mắn tài chính cho Hetty vì nó cho phép bà tiết kiệm được một số tiền rất lớn trong suốt cuộc đời. Đây là một mẹo tài chính của bất cứ người giàu có nào, bởi lẽ nếu bạn không thể tiết kiệm tiền, lợi nhuận đầu tư của bạn cũng sẽ chẳng có ích gì.
Tuy nhiên, sự tiết kiệm tới mức hà tiện của Hetty cũng đã gây ra hậu quả. Bà được đặt cho cái biệt danh “Phù thủy phố Wall” và Sách Kỷ lục Guinness Thế giới gọi bà là “Người khốn khổ nhất thế giới”. Đây có thể là một trong những lý do khiến bà ít được biết đến hơn so với những người bạn cùng lứa trong thời đại Mạ vàng của mình. Thậm chí có tin đồn rằng thay vì tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức cho bên chân bị thương của con trai mình, ban đầu bà đã đưa cậu bé đến một phòng khám miễn phí để tiết kiệm tiền. Cuối cùng, chân của con trai bà phải bỏ đi vì một điều gì đó “vốn dĩ có thể tránh được”. Vậy mới nói, tiết kiệm tới mức hà tiện có thể là một lời nguyền.
2. Đầu tư một cách thận trọng để ngăn ngừa những cơn khủng hoảng
Cùng với tính tiết kiệm của mình, Hetty cũng được biết đến là người luôn đầu tư vào các khoản đầu tư thận trọng (chủ yếu là trái phiếu và bất động sản). Bà đã mua trái phiếu Hoa Kỳ từ năm 1865-1867, thời điểm mà Nội chiến vẫn còn mới mẻ trong tâm trí công chúng, và thường xuyên cung cấp các khoản vay cho những người đi vay và giữ đất nền nếu họ vỡ nợ. Bằng cách thận trọng với số tiền của mình, Hetty đã có thể vượt qua những cơn khủng hoảng và tiếp tục mua khi những người khác lại đang phải bán đi (đặc biệt là ở mức giá thấp).
3. Sống theo cách của mình
Phụ nữ vốn không phải là một phần của văn hóa của Phố Wall trong thời của bà Hetty vào cuối những năm 1800, tuy nhiên, điều này không thể ngăn cản bà Hetty sống cuộc sống theo ý mình và tìm cho mình một chỗ đứng trong một thế giới chủ yếu do đàn ông kiểm soát. Bà Hetty đã từng nói:
“Tôi luôn cố gắng đối xử công bằng với tất cả mọi người, nhưng nếu ai đó muốn chống lại tôi, tôi sẽ đáp trả lại anh ta tới cùng.”
Đây có lẽ là một trong những lý do vì sao Hetty không được yêu thích cho lắm, nhưng nó cũng cho thấy rằng bà không để bất cứ ai thúc ép hoặc ảnh hưởng đến các quyết định tài chính của mình.
Một trong những bài học tài chính tới từ Hetty chính là: đầu tư theo điều kiện của bạn. Tài chính của bạn là độc nhất, vì vậy không có lý do gì khiến chúng phải giống bất kỳ ai khác. Ghi nhớ điều này sẽ ngăn bạn theo đuổi cổ phiếu (hoặc loại tài sản) hot một cách mù quáng và mắc phải những sai lầm về tài chính. Bạn nên có một kế hoạch tài chính được cá nhân hóa và hãy tuân thủ nó.
4. Từ thiện trong âm thầm
Mặc dù nổi tiếng là một người tiết kiệm tới mức hà tiện, nhưng Hetty Green cũng có những lúc rất hào phóng với số tiền của mình, chỉ là bà không công khai điều đó mà thôi.
Bà cho vay tiền dưới lãi suất thị trường để giúp đỡ những người gặp khó khăn và tặng tiền cho các gia đình vào dịp lễ. Bà ấy còn có thể hào phóng hơn không? Tất nhiên là có. Tuy nhiên, sự hào phóng của Hetty là riêng tư và nó có thật 100%. Bà không bao giờ muốn rùm beng những việc làm tốt của mình, và đó là bài học cho tất cả chúng ta. Đôi khi, những khoản quyên góp lớn cũng có thể truyền cảm hứng cho những người khác làm từ thiện giống mình, tuy nhiên, đừng làm điều gì đó chỉ để ra vẻ — hãy làm từ thiện với cái tâm của mình!
Ngoài lề
Hetty Green là một trong những nhà quản lý tài sản giỏi nhất trong lịch sử, bà biết cách đầu tư và chơi những con bài tài chính trong suốt cuộc đời mình. Nhưng thật không may, khi Sylvia Green, con gái của bà, qua đời vào ngày 4 tháng 2 năm 1951 (khoảng 35 năm sau Hetty), tài sản của bà nằm rải rác giữa hơn 150 cá nhân và tổ chức khác nhau vì không có người thừa kế tài sản của gia đình. Thật trớ trêu thay, số tiền mà Hetty đã dành cả đời để tạo dựng và bảo vệ cuối cùng lại rơi vào tay những tổ chức mà Hetty thậm chí từng khinh thường.
Có một bài học quan trọng mà ngay cả Hetty Green có lẽ cũng chưa bao giờ học được — cho dù bạn kiếm được bao nhiêu tiền, bạn cũng không thể mang theo bên mình khi bạn ra đi. Cho dù bạn làm việc chăm chỉ như thế nào, cho dù bạn tiết kiệm bao nhiêu, một ngày nào đó, tất cả sẽ kết thúc! Vậy mới nói, sống để làm giàu, đó là một mục tiêu rất đáng khích lệ, nhưng cũng đừng quên tận hưởng cuộc sống!
Nguồn: Doanh nghiệp và Tiếp thị
Tham khảo sách: Hệ thống Bán hàng Đỉnh cao – Bí quyết biến khách hàng thành Fan cuồng của bạn