Khả năng mở rộng quy mô – Điểm mấu chốt để doanh nghiệp thành công
Trong thế giới kinh doanh, việc nảy ra những ý tưởng tuyệt vời hóa ra lại không phải là điều quá khó khăn, hầu như bất cứ ai cũng có thể đưa ra một ý tưởng kinh doanh thú vị. Là một nhà khởi nghiệp, một doanh nghiệp, hãy chắc chắn bạn đã trả lời thấu đáo 7 câu hỏi dưới đây.
Trong thế giới kinh doanh, việc nảy ra những ý tưởng tuyệt vời hóa ra lại không phải là điều quá khó khăn, hầu như bất cứ ai cũng có thể đưa ra một ý tưởng kinh doanh thú vị. Thế nhưng để biến một giấc mơ hay ý tưởng thành một công ty có hình thù phải tốn nhiều công sức hơn là việc chỉ ngồi nghĩ ra ý tưởng. Thậm chí, đối với nhiều người khởi nghiệp, thì điều khó khăn nhất chính là việc xây dựng nên một công ty có thể phát triển và lớn mạnh, nhất là sau khi đội ngũ làm việc ban đầu đã rời đi.
Để làm được điều này, đòi hỏi nhà sáng lập doanh nghiệp cần thực sự tỉnh táo. Khi nhìn vào những thành công bước đầu hay quá trình gây dựng doanh nghiệp đầy khó khăn và rủi ro, họ có thể nói được rằng: “Công ty này không phải của tôi.” Đây là điều không hề dễ dàng và không một doanh nhân nào lấy làm yêu thích cả, thế nhưng đó lại là bước cần thiết để tạo ra một doanh nghiệp thực sự lớn mạnh và phát triển lâu bền.
Một khi bắt đầu coi công ty khởi nghiệp không phải chỉ của riêng mình, bạn có thể bắt đầu bằng đưa ra các yếu tố cần thiết cho khả năng mở rộng lâu dài. Dưới đây là bảy câu hỏi bạn nên hỏi bản thân để xác định xem bạn có đang xây dựng một công ty với khả năng mở rộng vượt ra ngoài khả năng quản lý của mình hay không:
1. Liệu chúng ta đã ghi chép lại những điều cơ bản đến từng chi tiết nhỏ nhất, từ phần mềm và thiết kế sản phẩm cho đến các ứng dụng thương hiệu và bằng sáng chế cho doanh nghiệp?
Trong quá trình khởi động dự án, bạn rất ít khi quan tâm đến việc lưu trữ tài liệu một cách cẩn thận, nhưng đây phải là một trong những công việc đầu tiên mà bạn cần chú ý.
Nếu ai đó sau này bước lên vị trí lãnh đạo, người đó sẽ cần phải biết tất cả những chi tiết về nền tảng và sản phẩm của công ty. Nếu thông tin đó chỉ tồn tại trong đầu của những người sáng lập, nghĩa là bạn đã giới hạn tương lai của công ty.
2. Chúng ta có đang ứng dụng công nghệ để tạo ra một môi trường minh bạch và rõ ràng xoay quanh những quyết định tối quan trọng liên quan đến thiết kế sản phẩm, phát triển kinh doanh, chiến lược tiếp thị và những thứ khác không?
Bạn không thể đảm bảo tương lai của một công ty thành công mà không có những hiểu biết căn bản về quá khứ của nó. Đó là một sự thật khó khăn đối với các doanh nghiệp khi thông tin của tổ chức chỉ được lưu trữ trong đầu của những người sáng lập.
Các thiết bị công nghệ có thể lưu giữ những thông tin này tốt hơn nhiều so với trí nhớ cá nhân con người, và cũng dễ dàng hơn để bàn giao chúng cho người điều hành mới, những người sẽ tiếp quản sau này.
3. Chúng ta có đang ghi chép lại các tương tác với khách hàng để làm cơ sở cho những tương tác tương tự sau này? Nếu bộ phận bán hàng được chuyển giao cho một người lãnh đạo mới, liệu anh ta có thể duy trì những mối quan hệ then chốt cho doanh nghiệp?
Các khách hàng thường cảm thấy hài lòng nhất khi họ có mối quan hệ cá nhân với ai đó trong công ty. Điều này tốt thôi nhưng bạn cũng cần biết cách để duy trì mối quan hệ đó nếu nhân viên nghỉ việc.
Ngoài những mối quan hệ một-một đơn lẻ như vậy, việc duy trì sự trung thành của khách hàng đòi hỏi hệ thống và quy trình quản lý các mối quan hệ bền vững.
4. Liệu chúng ta đã xây dựng được hệ thống mà các bên liên quan (nhà đầu tư, các khách hàng lớn, các đối tác chiến lược) có thể có được tầm nhìn rõ hơn về việc kinh doanh của công ty?
Làm thế nào để bạn chia sẻ thông tin với họ? Có chăng một cơ chế thông tin liên lạc nhằm đảm bảo họ luôn được cập nhật về các sáng kiến, sản phẩm và những bước tiến mới của bạn?
Bản tin, báo cáo theo quý hoặc năm và các sự kiện gặp mặt trực tiếp có thể là công cụ giúp cho các bên liên quan gắn kết với công ty hơn.
5. Liệu môi trường làm việc có cho phép nhân viên có quyền được đưa ra các hành động mang tính quyết định, hay chỉ những người sáng lập mới có thể mang tới sự phát triển?
Vào cuối ngày làm việc 15 giờ của mình, hãy tự hỏi liệu bạn có thể giao bất kỳ nhiệm vụ nào mà bạn đã làm việc cật lực từ sáng đến tối cho người khác hay không? Hãy trung thực với chính mình. Nếu bạn không thể giao cho người khác bất kỳ trách nhiệm nào của mình, công ty của bạn sẽ không thể phát triển.
6. Chúng ta có đang bồi đắp những thế mạnh của nhân viên khi phát triển đội ngũ? Những nhân viên mới có sự bổ sung và củng cố cho đội ngũ hiện tại hay không?
Đối với công ty khởi nghiệp, mỗi lần tuyển nhân sự đều rất quan trọng, không chỉ bởi nó đem đến nhân tài cho công ty mà còn bởi một đội ngũ gắn kết là chìa khóa để tăng trưởng khi ta muốn có đầy đủ mọi kỹ năng cần thiết.
7. Liệu chúng ta đã tạo ra được một mạng lưới kết nối các đối tác, nhà cung cấp công nghệ, bên cài đặt hệ thống máy móc…để họ có thể trở thành một phần trong sự tăng trưởng chung?
Điều gì diễn ra trong nội bộ công ty đóng vai trò rất quan trọng, nhưng bên thứ ba cũng có ảnh hưởng lớn. Khi bạn liên kết với các đối tác, hãy tự hỏi liệu họ có là tài sản chiến lược cho bạn trong hiện tại và tương lai hay không.
Ngay cả khi bạn đang xây dựng một doanh nghiệp với ý tưởng không phải của bạn, hoặc không vĩnh viễn là của bạn, bạn cần phải giữ cảnh giác. Phát triển quy mô không phải là bỏ qua các đóng góp xây dựng trước đó.
Trong những năm đầu của một công ty, người sáng lập nên theo dõi mọi quyết định về sản phẩm cũng như mọi vấn đề liên quan đến việc hỗ trợ khách hàng. Một hệ thống báo cáo thông tin được xây dựng tốt sẽ là một mạng lưới an toàn cho một công ty khởi nghiệp non trẻ để có thể đảm bảo sự hoạt động thông suốt, lượng khách hàng trung thành và khả năng mở rộng công ty cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Nguồn: Quản trị doanh nghiệp