TS. Alan Phan chia sẻ về khởi nghiệp và chiến lược kinh doanh (P1)
“Khi bạn cảm thấy chưa có sự an toàn trong việc mưu sinh thì có lẽ bạn chưa đủ kỹ năng và kinh nghiệm cũng như đam mê để có thể khởi nghiệp.” – TS. Alan Phan
– Thưa Tiến sĩ Alan Phan, một trong những điểm mấu chốt khi khởi nghiệp là phải có một kế hoạch kinh doanh bài bản. Tuy nhiên, để có thể xây dựng được một kế hoạch như vậy cần phải có thông số về sản phẩm, thị trường, cạnh tranh… mà điều này đối với một người mới là rất khó vì không có kinh phí để thuê đơn vị tư vấn, nghiên cứu thị trường.
Vậy xin tiến sĩ cho biết cách giải quyết vấn đề này như thế nào? (Nguyễn Phong)
TS. Alan Phan: Thực tình, chỉ cần học vài yếu tố chuyên nghiệp trong vấn đề nghiên cứu mình có thể tự làm phần lớn những công việc mà các nhà tư vấn thường làm. Ngoài ra, bạn vẫn còn có cơ hội để tiếp cận những bậc lão thành đã hoặc sắp về hưu. Họ sẽ có rất nhiều thời gian để giúp các bạn trẻ như bạn thực hiện ước mơ của mình.
Ngoài ra, bạn phải biết học hỏi, phải sử dụng thời gian thật hữu hiệu, phải hiểu quy trình nghiên cứu trên các mạng Internet. Đồng thời bạn phải biết networking, tức là liên thông với các người có thể giúp mình.
– Thưa tiến sĩ, ông nghĩ sao về việc bán hàng đại lý ăn 40% trên mỗi sản phầm (sản phẩm T-Shirt đồng giá 300.000 đồng). Em ở khu phố cổ thuận tiện khách du lịch. Mặt bằng em tính đầu tư tầm 5 triệu đồng tháng, không phải đặt cọc tiền hàng, hưởng theo doanh thu bán hàng, vậy em có nên tiến hành không? (Hai Nam, Da Nang)
TS. Alan Phan: Kế hoạch kinh doanh phải có nhiều chi tiết hơn là những con số bạn trình bày ở trên. Chẳng hạn như có khoảng bao nhiêu khách hàng mục tiêu? Mức cạnh tranh có nhiều không? Giá bán có hợp lý? Tổng chi phí điều hành là bao nhiêu mỗi năm? Tổng doanh thu dự trù bao nhiêu?…
Tất cả những điều đó bạn phải viết ra môt kế hoạch kinh doanh dựa trên những mẫu kế hoặch được tìm trên google của các nhà bán lẻ.
– Thưa tiến sĩ, tôi chỉ có một mình và con gái. Hoàn cảnh gia đình khó khăn và tôi phải tự lập từ nhỏ. Tôi hiện làm nhân viên kế toán và mới chỉ tích cóp được 50 triệu làm vốn. Tôi muốn khởi nghiệp, thoát khỏi cái nghèo nhưng vốn nhỏ, không thể nghỉ việc để theo đuổi, trong khi bao nhiêu chi phí hàng ngày phải gánh. Tôi cứ đọc và tìm hiểu cách làm giàu mà vẫn chưa tìm ra hướng đi nào phù hợp với mình. Với hoàn cảnh như vậy, tôi có thể chọn con đường và hướng đi như thế nào để có thể làm giàu? (Nguyễn Thị Thủy)
TS. Alan Phan: Thứ nhất, bạn phải tìm cho mình một kỹ năng và nhiều kinh nghiệm hơn nữa trong bất cứ một ngành nghề nào hay một mô hình kinh doanh nào.
Còn khi bạn cảm thấy chưa có sự an toàn trong việc mưu sinh thì có lẽ bạn chưa đủ kỹ năng và kinh nghiệm cũng như đam mê để có thể khởi nghiệp.
– Kính chào ông Alan. Tôi năm nay 40 tuổi, có bằng MBA, đã lăn lộn nhiều công việc từ hơn 15 năm nay và hiện là CEO của một công ty nhỏ tại VN. Tuy nhiên, tôi muốn rút lui về tự kinh doanh. Vốn cũng có chút nhưng không nhiều (2 tỷ đồng) nên muốn xin lời khuyên phải làm gì. Tôi rất mê kinh doanh nhưng cái muốn làm thì không đủ vốn và ở Việt Nam cái gì cũng có hết rồi. Thêm nữa, tôi còn cái bệnh là cái gì cũng biết và phân tích quá nhiều nên cuối cùng thấy cái gì cũng không khả thi. Xin cảm ơn ông! (Đăng)
TS. Alan Phan: Tôi nghĩ vấn đề nhiễu thông tin và dữ liệu là một vấn đề chung của mọi doanh nhân. Tuy nhiên, những người biết quyết đoán thường vượt qua nhờ tập trung vào một thị trường ngách nơi mình có những lợi thế cạnh tranh nhiều nhất. Dù Việt Nam hiện nay đã có nhiều mô hình kinh doanh nhưng tôi tin vẫn có những phân khúc còn bỏ ngỏ.
Với kinh nghiệm và khả năng tìm tòi tôi nghĩ ông có thể nhìn thấy vấn đề rõ ràng hơn, nhất là khi đã thử nghiệm vài mô hình tượng trưng.
– Theo ông, việc thành lập một quỹ tư nhân sẽ được bắt đầu như thế nào? Có sự khác biệt giữa các quy chuẩn của Việt Nam và quốc tế trong việc lập quỹ này không? (Đặng Hà, TP Đà Nẵng)
TS. Alan Phan: Có vài khác biệt về những điều kiện pháp lý khi thành lập cũng như khi điều hành các quỹ đầu tư tư nhân. Vấn đề chính là tìm được khách hàng (những nhà đầu tư chịu bỏ tiền vào quỹ của mình). Muốn vậy, phải cho nhà đầu tư sự tin cậy bằng cách chứng minh khả năng minh bạch và kiếm lợi nhuận tốt của quỹ.
– Thưa tiến sĩ, ông nghĩ thế nào về đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam lúc này. Tôi có tầm khoảng 10 tỷ đồng và muốn bắt đầu đầu tư sản xuất. Vậy ông có thể cho tôi lời khuyên phù hợp được không? (Chiêng,Thanh Xuân, Hà Nội)
TS. Alan Phan: Ông không nói rõ công nghiệp phụ trợ gì và lợi thế cạnh tranh của ông nằm ở đâu? Do đó, tôi nghĩ ông cần làm một kế hoạch kinh doanh chi tiết hơn theo những mẫu hình tìm trên mạng.
– Tôi muốn đầu tư nhỏ bằng việc xuất khẩu nước mắm Việt Nam qua thị trường Thái Lan trong vài tháng tới. Ông đánh giá như thế nào về cơ hội này? (Võ Hồng)
TS. Alan Phan: Nếu nước mắm hay bất cứ sản phẩm nào của ông cần có một điểm nhấn thật đặc biệt và tạo sự thích thú với khẩu vị của người Thái Lan thì tôi nghĩ sẽ có nhiều cơ hội.
Tuy nhiên sự cạnh tranh và phí tổn để tiếp thị khá cao. Ông phải biết rõ khả năng và kinh nghiệm của mình về hai vấn đề mấu chốt này.
– Em học kinh doanh và công nghệ thông tin, đã từng làm ở một vài công ty. Năm qua em có kinh doanh thời trang nhưng khó khăn quá nên đã nghỉ. Em có vốn khoảng 50 triệu đồng nên kinh doanh gì cho phù hợp với ngành nghề em đã từng học? (Hoàng Anh)
TS. Alan Phan: Một câu hỏi quá cá nhân để có thể trả lời chính xác! Em đã có kinh nghiệm trong ngành IT, tại sao lại đi kinh doanh thời trang? Khi kinh doanh, em cần biết rõ lợi thế cạnh tranh và những rủi ro sẽ gặp.
> Còn tiếp
Có thể bạn quan tâm: Góc nhìn Alan – Dành tặng doanh nhân Việt trong thế trận toàn cầu