Linh hồn của tiền: Cuốn sách chữa lành cho những “trái tim” nô lệ của đồng tiền

By Le Na 30/09/2021 20:00

Lynne Twist là một nhà hoạt động xã hội toàn cầu, người sáng lập Viện Linh Hồn Của Tiền cũng như dành cả cuộc đời để cống hiến cho các chương trình xóa đói giảm nghèo, ủng hộ công bằng xã hội và sự bền vững của môi trường. Cuốn sách cùng tên ra đời với cùng mục đích đó!

Linh hồn của tiền: Cuốn sách chữa lành cho những "trái tim" nô lệ của đồng tiền

Năm 2003, Lynne Twist thành lập The Soul of Money Institute (Viện Linh hồn của tiền), một trung tâm nghiên cứu mối liên hệ giữa tiền và cuộc sống viên mãn, giúp mọi người có thái độ khôn ngoan, có hiểu biết cặn kẽ về tiền và tác động của nó cũng như học được cách kiểm soát tiền từ việc kiếm tiền – chi tiêu – cho đi để sống hạnh phúc hơn.

Linh hồn của tiền – Cho đi để sống hạnh phúc hơn

Công việc thực tế của Lynne Twist đã mang lại cho bà ấy sự hiểu biết sâu sắc về con người và mối quan hệ giữa tiền bạc và cuộc sống thịnh vượng. Đó cũng là giá trị cốt lõi được bà truyền tải trong cuốn sách LINH HỒN CỦA TIỀN. Cuốn sách này đã được dịch sang 9 thứ tiếng và xuất bản trên toàn thế giới.

Đôi nét về Lynne Twist – Tác giả của cuốn sách Linh hồn của tiền (mọi người có thể đọc chi tiết tại bài viết này).

Linh hồn của tiền: Cuốn sách chữa lành cho những "trái tim" nô lệ của đồng tiền

Linh hồn của tiền – Cuốn sách chữa lành cho mọi “trái tim nô lệ của đồng tiền”

Tôi 22 tuổi và tôi không nhớ từ bao giờ, bố tôi đã gieo vào đầu tôi cái điều mà ông luôn tâm niệm: “Công việc quan trọng nhất của một người đàn ông là kiếm tiền.” Tôi biết ông nói không sai. Nhưng với trái tim của một Song Ngư như tôi, thì điều đó là đúng nhưng không đủ. Trái tim tôi biết vậy, nhưng tôi còn quá trẻ, còn quá ít lý lẽ và trải nghiệm để nói lại với ông. Tôi thường im lặng mỗi lần ông nhắc lại điều ấy dù tâm trí vẫn đưa ra một ý nghĩ phản kháng: “Bố mình quá coi trọng đồng tiền.”

Lớn hơn một chút, dần dần tôi cũng thông cảm được cho ông, người đã từng sống qua sự nghèo khó của những năm tháng chiến tranh, sống qua thời bao cấp. Chắc chắn ông hiểu sự quý giá của đồng tiền hơn tôi, người cho đến nay vẫn sống bằng những đồng tiền do ông kiếm ra. Nhưng tôi vẫn thấy điều ông nói có điều gì đó chưa đúng… Và tôi đã tìm được lời giải đáp cho mình trong Linh hồn của tiền – cuốn sách chỉ ra mối quan hệ khốn khổ của con người ta với đồng tiền, và làm thế nào để sử dụng đồng tiền nhằm đem lại một cuộc sống thực sự có ý nghĩa.

Cuốn sách cùng tên với viện nghiên cứu do bà sáng lập – Linh hồn của tiền chứa đựng những thông điệp độc đáo và mạnh mẽ của Lynne tại một thời điểm cần thiết hơn bao giờ hết. Linh hồn của Tiền là một nguồn cảm hứng bất tận, pha trộn giữa những câu chuyện khó quên và những nguyên tắc xuất phát từ tâm hồn. 

Linh hồn của tiền: Cuốn sách chữa lành cho những "trái tim" nô lệ của đồng tiền

Bằng những câu chuyện thực trong cuộc sống và công việc của mình, Lynne Twist, một người phụ nữ đầy lòng nhân hậu, một nhà hoạt động nhân đạo nhiệt huyết và tài năng, đã làm sáng tỏ một trong những vấn đề quan trọng nhất trong cuộc sống hiện đại mà không mấy khi chúng ta để ý đến hoặc cố tình tảng lờ: chúng ta đã gán cho tiền – một công cụ do chính chúng ta tạo ra – “sức mạnh gớm ghê” và “quyền lực tối cao”. Để rồi, rất nhiều người trong chúng ta đang vô tình (hay cố tình?) bị cuốn vào vòng xoáy đầy ma lực của tiền. Nó làm ta quên mất đi ngôn ngữ yêu thương của trái tim, quên mất đi những giá trị tốt đẹp của tâm hồn, quên mất đi những phẩm chất của một con người thực sự. Nó khiến ta sống một cuộc đời ít nhân cách hơn, ít ý nghĩa hơn. Nhưng đó cũng không phải là lỗi của đồng tiền. Đồng tiền vốn trung tính, nó không có lỗi gì cả! Lynne Twist chỉ ra rằng: “Chính cách hiểu và phản ứng của chúng ta với tiền mới là nguồn gốc của những điều tai hại.”

Vậy thì chúng ta hiểu sai cái gì chăng? Theo bà, quan hệ sai trái của chúng ta với tiền bạc xuất phát từ những ngộ nhận về những điều căn bản trong cuộc sống, rằng thế giới luôn luôn là không có đủ cho tất cả mọi người, rằng có càng nhiều chắn chắn là càng tốt… Bằng những dẫn chứng rất sinh động trong tự nhiên và đời sống, Lynne đã đưa ra một bức tranh khác về thế giới, trái ngược với những tín điều xưa cũ đã ăn sâu vào tâm trí chúng ta. Đó là luôn luôn có đủ và có hạn cho tất cả mọi người, và “sự có hạn không phải là điều đáng lo ngại, nó tạo ra một mối quan hệ chính xác hơn, đòi hỏi sự trân trọng và khẳ năng quản lý bằng ý thức rằng chúng rất quý giá…”. Hệ quả là, trái đất này có thể là thế giới bạn-và-tôi, nơi mọi người không phải cạnh tranh với nhau mà là cùng hợp tác để tạo ra sự thịnh vượng chung.

Và bản chất của tiền là gì? Chúng ta nên sử dụng tiền như thế nào cho có ý nghĩa? Lynne đã tìm ra câu trả lời cho vấn đề này từ Gertrude – một bà lão da màu ở khu phố Harlem: “Đối với tôi, tiền giống như nước. Đối với một số người, tìền ào ạt tuôn vào cuộc sống của họ như dòng sông dữ dội. Tiền đến cuộc sống của tôi như một vòi nước nhỏ giọt. Nhưng tôi muốn nó tiếp tục được chảy đi, để nó giúp được cho nhiều người nhất. Tôi coi đó là quyền và trách nhiệm của mình. Đó cũng là niềm vui nữa.”

Đối với hoạt động gây quỹ, Lynne kêu gọi mọi người đóng góp bằng cách giúp họ nhận ra sứ mệnh thực sự của tiền, và dùng tiền như công cụ để chuyên chở lý tưởng và những giá trị của bản thân:

“Dù bạn có nhiều hay ít tiền, khi bạn điều chỉnh dòng chảy ấy với thiện ý bạn sẽ thấy mình giàu có. Bạn thấy hứng thú và mạnh mẽ khi dùng tiền của mình để thể hiện bản thân, bạn không chỉ phản ứng trước nền kinh tế thị trường, mà còn thể hiện con người bạn. Khi bạn để tiền chảy đến những thứ bạn quan tâm, cuộc sống của bạn bừng sáng. Đó chính là sứ mệnh thực sự của tiền.”

Là một nhà gây quỹ nhân đạo từng trải, Lynne còn chỉ ra cả mặt trái của những đợt cứu trợ mang tính phong trào. Chúng làm người dân ở những quốc gia nghèo khó mất đi niềm tin vào chính khả năng tự lực của mình. Ngược lại, nếu biết trân trọng những thứ mình có và tận dụng những nguồn lực của địa phương sẽ giúp người ta làm được những điều tưởng chừng như không thể. Đó là điều mà Bảy Con Người Vĩ Đại ở Bangladesh, những phụ nữ ở Senegal, những góa phụ ở Ethiopia,… đã làm được.

Trong cuốn sách đầy minh triết này, Lynne còn kể cho chúng ta những câu chuyện rất ý nghĩa và xúc động về những người vượt qua mặc cảm hay gánh nặng của sự giàu có để sống cuộc đời hạnh phúc; về sự dũng cảm của những người phụ nữ ở Dharmapuri (Ấn Độ) khi lên tiếng chống lại hủ tục giết hại trẻ em; về những người phụ nữ bị hành hạ dã man đến hội thảo phụ nữ Bắc Kinh để nói lên những lời cuối cùng; về những xu thế mới đang se sẽ hình thành, hướng tới một tương lai tốt đẹp và bền vững cho nhân loại.

Dưới đây là một số đoạn trích từ cuốn sách:

“Cảm giác về sự giàu có thực sự đến từ việc chia sẻ, thể hiện rằng bạn có đủ, và bạn là đủ.

Trong cuộc sống đầy đủ và viên mãn, biết trân trọng là một thái độ ẩn chứa đầy sức mạnh, có khả năng tạo ra những giá trị mới khi chúng ta ý thức được giá trị những thứ chúng ta đang có.

Khi bạn ngừng cố gắng kiếm thêm những thứ bạn không thực sự cần, những đại dương năng lượng sẽ được giải phóng. Bạn sẽ có thể tạo ra sự khác biệt bằng những thứ bạn có. Khi bạn tạo ra sự khác biệt bằng những thứ bạn bạn có, nó sẽ mở rộng ra.

Chẳng hề tồn tại cái chúng ta hay gọi là người giàu hay kẻ nghèo cả. Tất cả chúng ta đều là những người giàu có và tài sản của chúng ta rất đa dạng. Nhờ có sự nhiệm màu của quá trình hợp tác, chúng ta trở thành những đối tác bình đẳng; chúng ta tạo ra sự toàn vẹn và đầy đủ cho tất cả mọi người.

Khi chúng ta coi tiền là một dòng chảy qua đời mình và qua thế giới, chúng ta nhận ra rằng nó không thực sự thuộc về ai cả; hoặc chúng ta có thể nói nó thuộc về tất cả mọi người. Trách nhiệm của chúng ta là để nguồn tài nguyên đó chảy tự do trên thế giới giống như dòng nước, phục vụ cho nhiều người nhất và những mục đích cao nhất.”

Nguồn: Trích sách Linh hồn của tiền – Lynne Twist/ LGTKD tổng hợp

Có thể bạn quan tâm:
LINH HỒN CỦA TIỀN – ĐÁNH THỨC SỰ GIÀU CÓ

TỪ NỘI LỰC CỦA CHÚNG TA

Linh hồn của tiền

ĐỌC THỬ

ĐẶT SÁCH

0
0 32
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments