Bí quyết để kinh doanh luôn thành công của người Nhật
Người Nhật xưa nay vốn được cả thế giới nghiêng mình nể trọng về tính nghiêm túc, cẩn thận, chỉn chu trong công việc kinh doanh của mình. Và để rèn luyện những đức tính tốt đẹp ấy, họ luôn sống và làm theo tôn chỉ: “Nếu bạn đã bắt tay làm một việc gì đó, hãy làm tốt nhất có thể”.
Thật không quá khi nói đây như một thứ “tôn giáo” được “sùng bái”, tạo nên văn hóa đặc trưng của đất nước mặt trời mọc.
Tư tưởng kinh doanh thấm nhuần từ những hãng lớn
Yamaha Motor là một trong những thương hiệu Nhật nổi tiếng khắp toàn cầu. Đóng góp vào hành trình vươn tới đỉnh cao đầy chông gai của hãng là tinh thần làm việc say mê, những cống hiến không biết mệt mỏi của tập thể công nhân viên. Đặc biệt sự lãnh đạo tài tình của chủ tịch Genichi Kawakami cũng như khả năng truyền cảm hứng, lan tỏa tư tưởng “làm tốt nhất có thể” cho mọi người xung quanh.
Genichi Kawakami – Vị thuyền trưởng lèo lái con thuyền Yamaha vượt qua nhiều thử thách bằng nhiều triết lý kinh doanh kinh điển, khiến cả thế giới phải thán phục.
Năm 1950, khi vừa kế thừa cha mình đảm nhiệm chức vụ chủ tịch thứ 4 của hãng, ông Genichi Kawakami đã miêu tả sứ mệnh của mình thông qua câu nói nổi tiếng: “Tôi luôn xác định rõ ràng trách nhiệm của bản thân khi là người đứng đầu công ty. Tôi phải luôn tìm kiếm, nghiên cứu và gieo mầm phát triển cho các dự án kinh doanh trong tương lai khi công ty đã đạt được những thành công nhất định và có nguồn tài chính dồi dào để thực hiện điều đó”. Và ông ngay lập tức hiện thực hóa sứ mệnh đó thông qua việc mở rộng sản xuất từ đàn piano sang xe máy dù thị trường lúc đó là cuộc cạnh tranh rất gay gắt của hơn 150 hãng sản xuất lớn nhỏ.
Ngay sau quyết định táo bạo ấy, ông đã dồn toàn tâm toàn ý chế tạo ra những mẫu xe không những thỏa mãn nhu cầu của người dân Nhật, mà còn phải mang đẳng cấp thế giới, bởi với ông “không thể gọi một thứ là sản phẩm nếu nó không đạt đẳng cấp thế giới”. Genichi và các kỹ sư đã tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở thị trường tiên tiến nhất thế giới như Mỹ, Châu Âu. Nhờ đó, ngay từ những sản phẩm đầu tiên của Yamaha đã sở hữu thiết kế hiện đại, chuẩn quốc tế và khác biệt hoàn toàn với các mẫu xe trong nước.
Ông Genichi hiểu rằng vì mới gia nhập địa hạt xe gắn máy nên Yamaha buộc phải làm ra những sản phẩm có chất lượng và nổi trội nhất, hơn hẳn các hãng sản xuất khác tại Nhật. Bởi vậy, ông đã mời một giáo sư đầu ngành cơ khí chế tạo, có kiến thức sâu rộng về động cơ 2 thì đến truyền nghề cho các kỹ sư của hãng. Trong các buổi tập huấn, vị giáo sư khẳng định: “Nếu các anh muốn sản xuất động cơ 2 thì từ đầu thì phải xác định mất 2 năm.” Genichi lập tức chỉ thị cho nhóm kỹ thuật phải “làm việc cẩn thận cũng có nghĩa là làm việc khẩn trương”, và “Nếu đã bắt tay làm một việc gì đó, hãy làm tốt nhất có thể”. Nhờ những lời động viên đó mà tốc độ chế tạo chiếc xe máy đầu tiên – YA-1 tăng nhanh chóng. Không ai có thể tin được, một việc đáng lẽ mất 2 năm mà tập thể Yamaha chỉ hoàn thành trong vòng 2 tháng. Nguyên mẫu YA-1 đầu tiên đã hoàn thành vào năm 1955.
Sau này, tinh thần “làm tốt nhất có thể” còn được hãng thể hiện thông qua việc chinh phục hàng loạt giải đua lớn nhỏ trong nước và quốc tế. Yamaha đã đạt được những thành tích vượt trội mà chưa một đội đua nào có được, nhờ ý chí quyết tâm, sự kiên cường, bền bỉ tạo ra những sản phẩm và động cơ tốt nhất.
Đến từng công ty và cá nhân đơn lẻ
Tinh thần “Làm tốt nhất có thể” dường như đã ăn sâu và trở thành văn hóa trong mỗi con người Nhật và nó luôn mang đến những thành tựu bền vững và mãn nguyện. Không chỉ Yamaha Motor mà còn rất nhiều câu chuyện thành công khác có được nhờ áp dụng tôn chỉ làm việc ấy.
Từ năm 1990, khi nền kinh tế bong bóng bị vỡ, Nhật Bản phải đối diện với sự cạnh tranh về giá rất khắc nghiệt. Mặc dù vậy, từ khi còn là công ty nhỏ, Kyocera vẫn kiên định phát triển hệ thống phát điện bằng năng lượng mặt trời ròng rã suốt 30 năm, với phương châm làm tròn bổn phận quan trọng cho xã hội. Kyocera dứt khoát không kinh doanh mà luôn đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết. Các nhân viên luôn hiểu và tự hào về công việc mình đang theo đuổi, làm việc vì ý nghĩa lớn lao: được cống hiến cho nhân loại.
Hay câu chuyện về cửa hàng bánh điểm tâm ở Kichijoji (Tokyo). Cửa hàng này tên Ozasa chỉ có 36 mét vuông, và chỉ bán 2 loại bánh: Yokan và Monaka. Số lượng bánh bán ra mỗi ngày giới hạn ở mức 150 chiếc/loại và mỗi người chỉ được mua tối đa 5 cái. Ấy vậy mà, doanh thu một năm của Ozasa đạt tới 300 triệu yên. Mọi người phải xếp hàng từ 4 – 5 giờ sáng để thưởng thức món bánh mình yêu thích. Tình trạng xếp hàng này đã kéo dài suốt 46 năm qua nhưng không một ai phàn nàn vì đơn giản, chất lượng bánh xứng đáng để họ tốn công như vậy.
Chỉ vỏn vẹn 6m2 và bán 2 loại bánh nhưng những thành phẩm tuyệt hảo của Ozasa có sức hút mạnh mẽ với người dân trong suốt 65 năm qua. Thậm chí nhiều doanh nhân của các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản hay các chính trị gia cũng không ngần ngại xếp hàng mua bánh.
Chỉ vỏn vẹn 6m2 và bán 2 loại bánh nhưng những thành phẩm tuyệt hảo của Ozasa có sức hút mạnh mẽ với người dân trong suốt 65 năm qua. Thậm chí nhiều doanh nhân của các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản hay các chính trị gia cũng không ngần ngại xếp hàng mua bánh.
Bà Atsuko Inagaki, chủ tiệm bánh đã chia sẻ lý do vì sao chỉ làm số lượng bánh có hạn: “Một nồi nấu 3 kg đậu, chỉ có thể làm được 50 chiếc. Nếu quá 3 kg thì không còn giữ được hương vị thơm ngon nữa. Nấu 3 nồi cần 10 tiếng rưỡi. Cho nên một ngày chỉ có thể bán 150 chiếc mà thôi”. Atsuko Inagaki kiên trì với nguyên tắc này bởi bà đã khắc cốt ghi tâm câu dạy của cha: “Đối đãi với khách hàng và sản phẩm tuyệt đối không thể thấp kém”. Ông cũng luôn yêu cầu Atsuko Inagaki “phải làm ra sản phẩm ngon nhất!”.
Cứ như vậy, từng ngày, từng giờ, mỗi con người, mỗi tập thể đều mang trong mình tâm niệm “nếu bạn đã bắt tay làm một việc gì đó, hãy làm tốt nhất có thể”. Điều này đã tạo nên bản sắc Nhật Bản và giúp họ thành công trong nhiều lĩnh vực. Đó thực sự là một triết lý đáng học tập và làm theo suốt đời.
Nguồn: chiasethanhcong.net
Có thể bạn quan tâm: BỘ SÁCH LÀM GIÀU TỪ KINH DOANH