Startup Philippines ra ứng dụng e-money dành riêng cho các thủy thủ

By Le Na 19/09/2021 19:00

MarCoPay, fintech của Philippines được hậu thuẫn bởi một nhà đầu tư Nhật Bản, đã phát triển một ứng dụng kết nối các thủy thủ với các khoản vay và bảo hiểm. Startup này hướng đến mục tiêu phát triển ở thị trường cho vay tài chính cá nhân có giá trị 8 tỷ USD trong bối cảnh Philippines là quốc gia có đội ngũ thuyền viên tàu biển nhiều nhất trên thế giới.

Startup Philippines ra ứng dụng e-money dành riêng cho các thủy thủ

Công ty khởi nghiệp Fintech MarCoPay được thành lập 2 năm trước tại Manila. Đây là liên doanh 50-50 giữa tập đoàn hậu cần đa ngành xuyên quốc gia của Philippines và công ty vận tải biển Nhật Bản Nippon Yusen. Nhà đầu tư Nhật Bản Marubeni đã mua cổ phần của công ty hồi tháng 6.

Từ việc trả lương bằng hình thức điện tử, MarCoPay sẽ phân nhánh thành các khoản thế chấp và các dịch vụ tài chính khác cho những thủy thủ xa nhà hàng tháng trời chỉ với một chiếc điện thoại.

“Chúng tôi sẽ giúp các thành viên của các tàu kết nối với các ngành tài chính, bảo hiểm và bất động sản và tạo ra thu nhập”, Chủ tịch MarCoPay Toshiaki Fujioka cho biết.

Startup Philippines ra ứng dụng e-money dành riêng cho các thủy thủ

MarCoPay đã bắt đầu triển khai đầy đủ dịch vụ thanh toán tiền lương thông qua dịch vụ điện tử trong tháng này sau khi được các cơ quan chức năng của Philippines chấp thuận. Ứng dụng này cho phép các thủy thủ chuyển tiền cho các gia đình ở quê nhà.

Nền tảng này khắc phục được vấn đề không ổn định sóng viễn thông trên các vùng biển bằng cách sử dụng cách thức xử lý dữ liệu theo lô, giúp tiết kiệm dữ liệu đầu vào trong trường hợp mất kết nối.

Có 1,5 triệu thủy thủ trên các tàu buôn trên khắp thế giới. Philippines có nhiều thủy thủ nhất với 220.000 người, chiếm 15%.

Ở Philippines, các thủy thủ thường kiếm được mức lương nằm trong nhóm 5% thu nhập cao nhất của cả nước. Lương hàng tháng cho một thuyền trưởng khoảng 8.000 USD. Tính tổng cộng, các thuyền viên tàu biển ở Philippines kiếm được ước tính 8 tỷ USD mỗi năm.

Một thực tế diễn ra từ lâu là các thủy thủ làm việc trên tàu khoảng 6 tháng đến một năm nhưng thường được trả bằng tiền mặt – được coi là một vấn đề cần phải giải quyết của ngành tàu biển.

Các thuyền viên thường được trả lương gộp hàng tháng tại cảng đến. Các tàu biển trên toàn thế giới được cho là mang theo hơn 700 triệu USD tiền mặt cùng một lúc. Các nhà khai thác tàu phải đối mặt với chi phí chuyển tiền ra nước ngoài và phải đảm bảo sự an toàn cho một số lượng tiền khổng lồ như vậy đến được các cảng.

Hiện tại, các thủy thủ có rất ít lựa chọn để sử dụng dịch vụ tiền kỹ thuật số khi ở trên tàu. Mục tiêu tiếp theo của MarCoPay là hợp tác với các công ty khác và mở rộng dịch vụ của mình.

Đến cuối năm, MarCoPay dự kiến sẽ mở dịch vụ cho các thủy thủ đăng ký vay mua ôtô và mua nhà với lãi suất ưu đãi. Ứng dụng này đã hợp tác với công ty cho vay hàng đầu của Philippines là BDO Unibank cũng như nhà cung cấp bảo hiểm BPI MS, một đơn vị Philippines thuộc Bảo hiểm Mitsui Sumitomo của Nhật Bản. MarCoPay cũng có kế hoạch hợp tác với các công ty thẻ tín dụng lớn.

Những quan hệ đối tác này hoạt động theo cả hai cách. Mặc dù thủy thủ là những người có thu nhập cao ở Philippines nhưng những tháng dài xa nhà đã biến họ trở thành một phân khúc khách hàng khó tiếp cận đối với các tổ chức tài chính truyền thống.

Marubeni đã mua cổ phần của MarCoPay với mục tiêu liên kết các doanh nghiệp y tế, tài chính và viễn thông ở Philippines với ứng dụng này.

Theo Trung tâm Hàng hải Nhật Bản, khối lượng vận chuyển toàn cầu trong năm 2021 dự kiến sẽ lấy lại tỷ lệ như mức trước đại dịch vào năm 2019 nhờ sự phục hồi kinh tế ở các quốc gia như Mỹ và Trung Quốc.

Lĩnh vực e-money chứng kiến sự cạnh tranh mạnh mẽ ở mọi thị trường trên toàn thế giới. Tuy nhiên, MarCoPay cho biết, họ không có đối thủ trong hoạt động cung cấp tiền kỹ thuật số và các dịch vụ tài chính phù hợp với các thủy thủ. Bằng cách tạo cơ chế để dòng tiền luân chuyển tuần hoàn trên các tàu biển – vốn đang bị hạn chế, startup hy vọng giải pháp mà công ty đem lại sẽ tạo ra một cú hích cho nền kinh tế Philippines.

MarCoPay cũng đang chuẩn bị phát triển các thị trường khác. Châu Á là nơi cung cấp thuyền viên nhiều nhất. Trong vòng vài năm tới, công ty dự định sẽ gia nhập thị trường Ấn Độ, quê hương của hơn 120.000 thủy thủ. Công ty cũng xem xét việc mở rộng địa bàn hoạt động ở Indonesia, Việt Nam và Myanmar, với tổng số thủy thủ đoàn lên tới 150.000 người. Công ty khởi nghiệp cho biết đang tìm kiếm các doanh nghiệp đối tác ở các quốc gia này.

Fujioka mong muốn đưa MarCoPay vượt ra ngoài ngành vận tải biển.

Ông nói: “Trong tương lai, chúng tôi đang có kế hoạch cung cấp các dịch vụ cho lao động nhập cư Philippines. Ước tính có khoảng 10 triệu lao động Philippines nhập cư trên toàn thế giới khiến Philippines trở thành một trong những điểm đến lớn nhất cho các dịch vụ cung cấp tài chính điện tử”.

Nguồn: NDH

Có thể bạn quan tâm:
BỘ SÁCH MARKETING BÁN HÀNG ĐẠT DOANH SỐ VÀNG THỜI ĐẠI 4.0

Bộ sách Marketing - Bán hàng đạt doanh số vàng thời đại 4.0 - Làm giàu từ kinh doanh

ĐẶT MUA

 

0
0 4
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments