Top nghề nghiệp được dự báo sẽ dần biến mất vào năm 2025 – Người trẻ nên chuẩn bị gì để ứng phó với bối cảnh trên?
Theo ông Hoàng Nam Tiến, ở một thời đại mà nghề nghiệp đang là mốt hôm nay có thể hoàn toàn biến mất trong tương lai, thì kỹ năng tự học và học liên tục là quan trọng nhất. Người trẻ nên chuẩn bị gì để ứng phó với bối cảnh trên?
Thế giới đang diễn ra sự thay đổi lớn về công nghệ đặc biệt là sự xuất hiện của AI và tự động hóa. Điều này cũng kéo theo sự thay đổi lớn trong cơ cấu nghề nghiệp, công việc của con người.
Năm 2018, Diễn đàn Kinh tế thế giới tiến hành nghiên cứu sâu rộng về những thay đổi trong nghề nghiệp cũng như nhu cầu kỹ năng của các nhà tuyển dụng trong thời đại mới với sự gia nhập của công nghệ. Nghiên cứu này đã đưa ra một dự đoán gây sốc và được nhắc lại vào năm 2020: Năm 2025 “thời gian ước tính trung bình mà con người và máy móc dành cho công việc sẽ ngang bằng với những nhiệm vụ của ngày nay”.
Năm 2020, Diễn đàn kinh tế thế giới đưa ra dự đoán 85 triệu việc làm có thể bị thay thế bởi sự thay đổi lớn trong cách phân chia lao động giữa con người và máy móc vào năm 2025.
Họ cũng dự đoán rằng 97 triệu công việc mới có thể xuất hiện trên 15 ngành công nghiệp và 26 nền kinh tế được khảo sát.
Sau đây là những nghề nghiệp sẽ giảm nhu cầu tuyển dụng hoặc biến mất theo khảo sát của tổ chức này vào năm 2025:
– Nhân viên nhập dữ liệu
– Nhân viên hành chính và điều hành
– Kế toán, nhân viên trả lương
– Kế toán và kiểm toán viên
– Công nhân lắp ráp và nhà máy
– Dịch vụ kinh doanh và quản lý hành chính
– Nhân viên thông tin dịch vụ khách hàng
– Quản lý điều hành chung
– Thợ sửa chữa cơ khí và máy móc
– Nhân viên ghi chép vật tư và lưu kho
– Nhà phân tích tài chính
– Nhân viên dịch vụ bưu điện
– Đại diện bán hàng bán buôn
– Giao dịch viên ngân hàng
– Bán hàng tận nơi, trực tiếp
– Thợ lắp đặt và sửa chữa điện tử, viễn thông
– Chuyên gia nhân sự
– Chuyên gia đào tạo và phát triển
– Công nhân xây dựng
Câu hỏi đặt ra trong bối cảnh ngành nghề chuyển dịch và thay đổi như hiện nay, giới trẻ đặc biệt là sinh viên sắp ra trường trong vài năm tới làm gì để thích ứng, sống sót?
Khả năng tự học hỏi là vũ khí duy nhất
Năm 2020, trong một bài trả lời phỏng vấn báo Trí thức trẻ trước khi rời vị trí chủ tịch FPT Software, doanh nhân Hoàng Nam Tiến cũng đề cập đến tương lai một số ngành phổ biến hiện nay. Ông Tiến dự báo 2,7 triệu công nhân may Việt Nam, hơn 1 triệu công nhân da giày, gần 1 triệu công nhân lắp ráp điện tử, không quá 10 năm nữa sẽ mất hết việc. Và việc đó đã diễn ra bắt đầu ngay từ bây giờ. Vì một con robot hiện nay để làm việc thay người trong các nhà máy có giá khoảng 250 nghìn USD, nhưng trong 5-10 năm tới chỉ có giá 30.000 USD.
Về nghề nghiệp cụ thể, ông Tiến cũng nhận định hàng chục ngàn giao dịch viên ngồi ở mỗi ngân hàng, phần lớn đều học đại học, cũng sẽ mất việc trong 10 năm tới. Bởi vì bây giờ các ngân hàng bắt đầu sử dụng hệ thống live banking. Khi thế hệ Z trưởng thành, họ sẽ không ra ngân hàng giao dịch nữa mà giao dịch trên internet banking. Hay hàng chục ngàn cán bộ tín dụng đánh giá tín dụng cũng sẽ mất việc, bởi hệ thống đánh giá của AI (trí tuệ nhân tạo) dựa trên big data sẽ chính xác và trung thực hơn rất nhiều.
Với nghề luật sư để tranh tụng trước tòa, để đàm phán, thương thuyết thì máy móc không thể thay thế. Nhưng nếu để tra cứu chéo các bộ luật, phân tích sự ảnh hưởng và đưa ra lời khuyên cho khách hàng thì trong 5 năm tới, AI sẽ làm việc đó tốt hơn con người với kho big data vô hạn mà nó thu thập được. Sẽ có rất nhiều luật sư mất việc.
“Ở một thời đại mà công việc đang là mốt hôm nay có thể hoàn toàn biến mất trong tương lai, thì kỹ năng tự học và học liên tục là quan trọng nhất”, ông Tiến chia sẻ.
Tự học, tự rèn luyện cũng là điều nhiều doanh nhân tại Việt Nam liên tục duy trì. Trong bài trả lời phỏng vấn trên Zing, nhà sáng lập Trần Thị Lệ của công ty Nutifood cho biết mỗi ngày, mỗi giờ, bà đều cố gắng để trở thành phiên bản tốt hơn.
“Làm gì thì làm, tôi vẫn dành thời gian đọc sách và cập nhật kiến thức. Tôi học hỏi mỗi ngày từ các chuyên gia, đối tác cung ứng, phân phối và nhân viên của mình”, bà Lệ cho biết.
Hay như Shark Thái Vân Linh chia sẻ, bà vẫn luôn sẵn sàng thảo luận về tất cả các chủ đề và quan điểm khác nhau cùng mọi người. Một trong những câu nói yêu thích của shark Linh là: “Mình không biết những gì mình không biết”.
Vì vậy nữ doanh nhân này cố gắng ghi nhớ điều này để bất cứ khi nào không đồng ý với ai đó, sẽ kiên nhẫn lắng nghe tất cả các quan điểm, vì không muốn bỏ lỡ cơ hội học hỏi từ những người xung quanh. Nếu ai đó có thể trình bày một cách logic các ý kiến của họ, Linh sẵn sàng thử luôn giải pháp ấy.
Chia sẻ trên Zing, nhà sáng lập Misfit Lê Diệp Kiều Trang cho rằng con đường startup muôn hình vạn trạng, quan trọng ở khả năng tự xây dựng năng lực và chấp nhận thử thách. Thị trường nhân sự cho startup khá hiếm và có nhu cầu rất cao với những người có năng lực độc đáo, cầu thị và chịu khó học hỏi. Đây mới là những người ít gặp rủi ro vì rất nhiều tổ chức cần họ. Những người có năng lực học hỏi và chịu thay đổi không phải ở đâu cũng có. Đừng nghĩ startup rủi ro hơn, quan trọng là bạn chịu học hỏi hay không.
Nếu nhìn rộng ra bạn có thể thấy lứa tuổi 20 chính là lúc bạn bắt đầu startup với sự nghiệp của mình, do đó điều quan trọng để thích nghi, sống sót được chính là khả năng học hỏi, tự rèn luyện.
Nguồn: Doanh nghiệp và Tiếp thị