Brand Identity – Xây dựng nhận diện thương hiệu trên nền tảng 5 giác quan
Brand Identity là tập hợp các yếu tố thể hiện bản sắc thương hiệu mà con người có thể tự cảm nhận bằng nhiều giác quan khác nhau.
Thời xa xưa ngôn ngữ đầu tiên của loài người chính là hình ảnh chứ không phải chữ viết, hình ảnh không chỉ đóng vai trò thể hiện nội dung giao tiếp mà còn giúp cải thiện năng lực tưởng tượng của con người.
Trải qua nhiều biến đổi thời cuộc, ngôn ngữ chữ viết mới được hình thành để sắm vai một nhân chứng của lịch sử và kể lại những câu chuyện đó cho nhiều thế hệ tiếp nối.
BRAND IDENTITY VÀ SỨC MẠNH CỦA 5 GIÁC QUAN
Ngôn ngữ chữ viết hình thành và phát triển vượt bậc nhưng không thể phủ nhận rằng, nó vẫn còn những nhược điểm cố hữu. Khi một hay nhiều sản phẩm nội dung được thể hiện quá cụ thể, khả năng tưởng tượng và sáng tạo của con người lại bị hạn chế.
Vì vậy khi cần tối ưu khả năng nhận diện và khẳng định vị thế của một thương hiệu trên thị trường, mọi doanh nghiệp đều cần có sự phối hợp đồng bộ giữa ngôn ngữ hình ảnh với ngôn ngữ chữ viết. Khái niệm Brand Identity cũng từ đó mà ra đời.
Nhưng không chỉ dừng lại ở hình ảnh hay chữ viết mà Brand Identity theo thời gian đã phát triển để trở thành một tập hợp các yếu tố thể hiện bản sắc thương hiệu, giúp ta có thể tự cảm nhận bằng thêm nhiều giác quan khác như âm thanh, hương thơm, mùi vị hay chất lượng hoàn thiện của sản phẩm.
Bởi thương hiệu không những cần hoàn thiện hình ảnh của mình ngay từ tính thẩm mỹ hay qua những câu từ truyền thông, mà mọi người đều đang đưa ra những yêu cầu cao hơn về trải nghiệm sản phẩm. Xây dựng thương hiệu ngày nay phải song hành và lồng ghép thêm các yếu tố nhận diện thông qua nhiều giác quan.
Chẳng hạn như giải đấu hàng đầu châu Âu UEFA Champions League vẫn luôn nổi tiếng với bản nhạc nền bất hủ ra đời từ năm 1992, hay mùi hương đặc trưng của nước hoa Chanel No.5 giúp sản phẩm này được mệnh danh là “quái vật trong làng thương hiệu” – dù vào thời điểm cuối của cuộc chiến tranh Thế Giới thứ 2 giá của nó đã cán mốc 100 USD cho mỗi 10ml.
Hãy hình tượng hoá khái niệm Brand Identity bằng cách ví thương hiệu của doanh nghiệp là một cậu học sinh trung học.
Cậu học sinh muốn bản thân trở thành người được bạn bè yêu quý, được thầy cô quan tâm và trở thành gương mặt “nổi tiếng” trong phạm vi học đường. Nhưng tất nhiên cậu không thể ép buộc mọi người tự thay đổi cách nhìn của họ theo chiều hướng tích cực, mà sẽ phải đầu tư công sức để xây dựng hình ảnh bản thân nhằm nhận được những đánh giá tích cực của những người xung quanh.
Một số phương án mà cậu có thể cân nhắc như tiết kiệm tiền để mua đôi giày đang tạo nên cơn sốt khắp mọi kệ hàng, thay đổi kiểu tóc mới để thật sự lột xác ngoại hình bản thân so với trước kia, hay đầu tư vào một môn thể thao hoặc một ngoại ngữ thứ hai mà mức độ phổ biến của chúng còn chưa quá cao.
Vậy còn đối với một thương hiệu thì sao? Đâu là những vấn đề cần giải quyết để xây dựng bản sắc và làm nên hệ thống nhận diện đủ tốt, giúp thương hiệu cũng như bản thân doanh nghiệp ngay lập tức cải thiện khả năng cạnh tranh ở trên thị trường?
BRAND IDENTITY BƯỚC MỘT – BIẾT ĐƯỢC MÌNH LÀ AI
Sai lầm thường thấy từ những nhà xây dựng thương hiệu đó là ngay lập tức tập trung vào cảm nhận và nhu cầu của người tiêu dùng, thay vì dành thời gian cùng nhau ngồi lại để thật sự thấu hiểu về thương hiệu của mình.
Bất cứ một hệ thống nhận diện thương hiệu chuẩn mực nào cũng đều có gốc rễ xuất phát từ sự thấu hiểu dành cho thương hiệu đó, đến từ chính đội ngũ sáng lập và xây dựng hình ảnh cũng như chiến lược của thương hiệu.
Vậy đâu là những bài toán đang cần lời giải để giúp quý doanh nghiệp và đội ngũ sáng lập dễ dàng thấu hiểu thương hiệu của chính mình?
- Sứ mệnh thương hiệu: tại sao thương hiệu được hình thành và phát triển?
- Giá trị thương hiệu: tại sao khách hàng tìm kiếm và gắn bó với thương hiệu này?
- Tính cách thương hiệu: nếu thương hiệu của bạn là một con người thì những tính cách của nó là gì?
- Định vị khác biệt: làm thế nào để thương hiệu của bạn trở nên khác biệt giữa thị trường cạnh tranh?
- Tiếng nói thương hiệu: nếu thương hiệu của bạn là một con người thì phong cách giao tiếp của nó sẽ ra sao?
Nếu có thể hãy tự hoàn thành thêm hai câu khảo sát nhỏ, sau khi đã có cái nhìn rõ nét nhất về thương hiệu của bản thân.
Một là, hãy nêu 3 từ ngắn gọn nhất có thể để mô tả về chính thương hiệu và mô hình kinh doanh của mình. Hai là, hãy nêu ba từ ngắn gọn nhất có thể mà doanh nghiệp muốn khách hàng sử dụng, một khi được yêu cầu mô tả về thương hiệu hay sản phẩm mà công ty đang cung cấp.
BRAND IDENTITY BƯỚC HAI – XÂY DỰNG NỀN TẢNG THIẾT KẾ THƯƠNG HIỆU
Vậy bản sắc thương hiệu liên quan mật thiết đến nhận diện thương hiệu như thế nào? Bước kế tiếp của quá trình xây dựng Brand Identity là gì sau khi đã tìm thấy bản sắc thương hiệu, đồng nghĩa với việc trả lời được các câu hỏi rằng “bạn là ai, thương hiệu của bạn mang đến giá trị trực tiếp cho khách hàng bằng cách nào?”
Có một mối quan hệ bền vững giữa bản sắc thương hiệu, nhận diện thương hiệu với thành công sau cùng của thiết kế thương hiệu như sau: thành công trong việc xác định bản sắc thương hiệu chính là cơ sở đi đến thành công trong xây dựng nhận diện thương hiệu, còn thành công trong xây dựng nhận diện thương hiệu lại chính là nền tảng của thành công sau cùng trong thiết kế thương hiệu.
Bởi kết quả dễ thấy nhất của thiết kế thương hiệu chính là khách hàng có ngay lập tức bị thu hút bởi những hình ảnh mà thương hiệu của bạn đang giới thiệu hay không, họ có sẵn sàng chia sẻ với những người xung quanh một cách tích cực về thương hiệu của bạn hay không.
Những hành vi kể trên không thể đến một cách tự nhiên, mức độ thu hút và đáng tin cậy của một hệ thống nhận diện thương hiệu cũng không thể tồn tại nếu không xây dựng được một nền tảng thiết kế đủ tốt.
Các bước xây dựng nền tảng thiết kế nhận diện thương hiệu gồm có:
1/ Chọn font chữ
Font chữ giúp mọi người có thể suy đoán một phần nào đó về tính chất và bản sắc của thương hiệu, vì vậy chọn lựa font chữ phù hợp và chuyên nghiệp chính là bước đi khôn ngoan trong quá trình xây dựng tập hợp Brand Identity. Hiện nay có 4 nhóm font chữ phổ biến nhất như sau.
Serif fonts (ví dụ như Garamond hay Times New Roman)
Font chữ này có chân ở cuối mỗi kí tự nên còn được gọi là font chữ mỏ neo, phù hợp nếu thương hiệu muốn truyền đạt những giá trị truyền thống, cổ điển và đáng tin tưởng.
Xuất hiện và bắt đầu phổ biến từ khoảng giữa thế kỷ 15, font chữ serif cho đến hiện nay vẫn còn được ứng dụng rộng rãi trong viết sách, đặt tiêu đề ngắn trên các ấn phẩm truyền thông hoặc được sử dụng cho các tài liệu thông dụng khác.
Sans Serif fonts (ví dụ Helvetika hay Franklin Gothic)
Trái ngược với font chữ Serif, font chữ Sans Serif không có chân ở cuối mỗi kí tự và thân chữ cũng mịn mắt hơn.
Thiết kế font mang đến vẻ ngoài bóng bẩy và hiện đại cho ngôn ngữ xây dựng thương hiệu, thích hợp với các thương hiệu hoàn toàn mới hoặc re-branding. Thế mạnh của font chữ Sans Serif là giúp đội ngũ xây dựng thương hiệu thể hiện rõ ý đồ, bản sắc và những giá trị cốt lõi mà họ muốn truyền đạt.
Script fonts (ví dụ Pacifico hay Allura)
Font chữ script thường dễ nhầm lẫn với font chữ viết tay đơn thuần, nhưng font script có mức độ hoa mỹ và điệu đà, nữ tính cao hơn hẳn so với font viết tay. Các kí tự của font chữ script thường sẽ được nối liền với nhau, thể hiện dưới ngòi bút hoặc cọ mềm là phổ biến nhất.
Vì là những đường nét tương đối nắn nót và nhiều chi tiết, nên script fonts không được sử dụng thường xuyên trong các sản phẩm thiết kế. Nó thường xuất hiện trên thiệp mời, bưu thiếp hoặc những ấn phẩm truyền thông ngắn gọn, không quá dài dòng vì sẽ gây rối mắt cho người xem.
Display fonts
Nếu là một designer thiên hướng sáng tạo và phá bỏ mọi rào cản trong thiết kế, vậy thì display fonts chắc chắn sẽ là font chữ yêu thích của bạn.
Font chữ này yêu cầu tính sáng tạo cao và liên tục cập nhật các xu hướng mới nhất, được thiết kế với những đường nét và kích thước phù hợp cho từng mục đích sử dụng riêng biệt. Một số điển hình của display fonts trong thiết kế thương hiệu có thể kể đến như Disney, Lego, Fanta,…
Font chữ không thể hiện toàn bộ nhưng đủ sức thể hiện phần lớn giá trị và năng lực của thương hiệu. Dành thời gian chọn lựa font chữ phù hợp với thiết kế cũng như chiến lược thương hiệu là một bước đi quan trọng mà đội ngũ branding không nên bỏ qua.
2/ Phân tích bảng màu
Mỗi người đều có một cách cảm nhận và tâm lý ưa chuộng màu sắc khác nhau, vì thế cách lựa chọn màu sắc dựa theo target audience ban đầu của thương hiệu cũng là vô cùng quan trọng. Một số màu sắc phổ biến trong xây dựng hình ảnh thương hiệu có thể kể đến như:
Đỏ – đây là sắc màu tượng trưng cho những khát khao cháy bỏng, là sự lựa chọn hoàn hảo cho các thương hiệu theo đuổi sự tươi mới, trẻ trung và thức thời trong hình ảnh lẫn phong cách của mình.
Cam – ý nghĩa tương đồng với màu đỏ nhưng màu cam mang đến một cảm giác dễ chịu và thân thiện hơn, đồng thời đây cũng là màu sắc không quá phổ biến như màu đỏ nên sẽ giúp cho hình ảnh thương hiệu trở nên khác biệt hơn.
Vàng – màu sắc tượng trưng cho hy vọng và niềm hạnh phúc, là sự lựa chọn hoàn hảo cho thương hiệu mang không khí của sự vui tươi, gần gũi và dễ tiếp cận hơn do có giá thành phải chăng.
Xanh lá – đây là màu sắc có mức độ thân thiện cao nhất vì nó có thể sử dụng cho nhiều thương hiệu hay ngành hàng khác nhau. Dù vậy khi nhìn vào màu xanh lá thường mọi người sẽ nghĩ đến hai yếu tố, một là tiền bạc và hai là môi trường.
Nếu thương hiệu của bạn có liên quan đến hai yếu tố này thì màu xanh lá là lựa chọn không thể tuyệt vời hơn, trong quá trình xây dựng Brand Identity và hình ảnh thương hiệu.
Xanh da trời – nếu thương hiệu hướng đến sự ổn định và đáng tin cậy thay vì theo đuổi tính đột phá, xanh da trời sẽ là màu sắc phù hợp bởi đây là màu yêu thích của hầu hết người tiêu dùng, dễ dàng tạo lợi thế cho các thương hiệu đang tham vọng chinh phục số đông nhân khẩu học.
Hồng – không thể chối cãi rằng đây là sắc màu dành riêng cho phái đẹp, thương hiệu đang cung cấp dòng sản phẩm hoặc dịch vụ dành cho phụ nữ nên lấy màu hồng làm chủ đạo trong xây dựng hình ảnh. Hơn thế nữa đây còn là màu sắc tượng trưng cho sự thanh lịch và sang trọng, không ít lần được các thương hiệu thời trang xa xỉ dành cho phụ nữ ứng dụng vào trong những bộ sưu tập.
Nâu – đây là màu sắc ít được sử dụng nhất bởi những đội ngũ xây dựng thương hiệu, nhưng chính vì thế mà nó thừa sức làm nên sự nổi bật cho những thương hiệu sử dụng sắc màu này một cách khéo léo. Màu nâu không quá chói chang, thể hiện đầy đủ sự nam tính trong trường hợp thương hiệu hay doanh nghiệp không muốn sử dụng màu đen hay xám.
Đen – không quá khó hiểu khi đây là màu sắc phổ biến nhất trong xu hướng thiết kế hiện đại, vừa đơn giản tinh tế lại vừa giữ lại được độ trẻ trung, phóng khoáng cần thiết. Đó chính là những lý do khiến màu đen dần trở thành “sắc màu bất hủ” trong xây dựng Brand Identity của mọi thương hiệu.
3/ Định hình form/shape
Logo thương hiệu không tạo ra phản ứng từ phía khách hàng, chính những đường nét và các shape tạo nên thiết kế logo mới là thứ làm ra những phản ứng tích cực (hoặc tiêu cực) đó.
Một logo thương hiệu được cấu thành từ những đường nét bo cong, tròn trịa đương nhiên sẽ mang lại nguồn cảm hứng khác biệt hoàn toàn cho mắt người nhìn – so với một thiết kế logo thẳng đứng hoặc nhiều góc cạnh.
Dưới đây là hai cách mà từng kiểu đường nét khác nhau trong một thiết kế logo, có thể tác động đến cảm nhận và thu về phản ứng trái chiều từ phía người nhìn:
Đường nét tròn trịa: những đường nét bo cong mềm mại, tạo thành các đường tròn một phần hay hoàn chỉnh sẽ luôn mang đến cảm giác ấm áp. Người nhìn dễ dàng liên tưởng ngay đến ý nghĩa của sự đoàn tụ, tràn đầy tình thương giữa người với người hoặc giữa các thành viên trong cùng một gia đình.
Đường nét thẳng: những đường nét góc cạnh tạo ra sự vuông vức, phần nào đó gợi nên cảm hứng của sự nam tính và bộc trực. Thiết kế logo với nhiều đường nét thẳng sẽ làm cho người tiêu dùng cảm thấy bị thuyết phục nhiều hơn, ấn tượng tốt hơn và tin tưởng cao hơn vào những lời cam kết của thương hiệu. Trong đó đường thẳng đứng dọc làm nên sự nam tính, còn đường thẳng nằm ngang lại tượng trưng cho sự ổn định, chia sẻ một cách thẳng thắn.
BRAND IDENTITY BƯỚC BA – XÂY DỰNG HỆ THỐNG BRAND IDENTITY
Sau khi đã xây dựng xong nền tảng thiết kế nhận diện thương hiệu với các yếu tố cơ bản nhất như font chữ, shape thiết kế hay màu sắc chủ đạo, giờ là lúc doanh nghiệp nên chọn bắt tay với một đội ngũ thiết kế Brand Identity chuyên nghiệp để hiện thực hoá mọi ý tưởng sẵn có.
Không có một quy định cụ thể nào về số lượng hạng mục thiết kế, bởi còn tuỳ thuộc vào nhóm ngành mà thương hiệu đang hoạt động hoặc chủng loại sản phẩm hay dịch vụ mà thương hiệu đang cung cấp.
Tuy nhiên sẽ có sáu đầu mục quan trọng và tối thiểu cần có để một hệ thống Brand Identity có thể được gọi là hoàn chỉnh, tiêu chuẩn và đủ khả năng phục vụ tốt các ý đồ truyền thông như sau:
LOGO THƯƠNG HIỆU
Thiết kế logo không chỉ đơn thuần là vẽ nên những đường nét nguệch ngoạc hoành tráng, hay tạo ra một shape vô nghĩa mà mọi người xem đều có chung một cảm giác rằng đã từng được nhìn thấy thiết kế này ở đâu đó.
Thiết kế logo phải dựa trên nền tảng của sự hiểu biết và đồng cảm với thương hiệu đến từ đội ngũ thiết kế, nói lên được tính cách, giá trị cốt lõi và cách một người tiêu dùng đúng nghĩa kể về thương hiệu đó ra sao.
Nhóm thiết kế logo thương hiệu phải bắt đầu từ quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về mục đích sử dụng cũng như đối tượng khách hàng tiềm năng của thương hiệu có hành vi như thế nào. Một logo thương hiệu không nhất thiết phải quá đẹp mắt, nhưng phải thể hiện được tính cách và tinh thần thương hiệu thông qua màu sắc, đường nét thiết kế và cách mà một bản thiết kế logo kể về câu chuyện của thương hiệu đó.
WEBSITE
Website là một trong những khía cạnh thể hiện rõ nét nhất bản sắc thương hiệu. Khách hàng không chỉ đòi hỏi một doanh nghiệp hay thương hiệu mà họ đang quan tâm có một website hoàn chỉnh, mà đó còn phải là một website trực quan, thân thiện và chia sẻ đầy đủ mọi thông tin cần thiết nhất.
Đối với doanh nghiệp digital hoặc kinh doanh qua mạng, website còn là công cụ bán hàng chủ yếu với số lượt truy cập đặt mua và tìm hiểu thông tin dịch vụ vượt trội.
Nếu như trước kia website chủ yếu chỉ là một trang thông tin doanh nghiệp đơn thuần, thì ngày nay giữa thời đại công nghệ số website cũng đã mang trên mình nhiều nhiệm vụ hơn.
Đáng tiếc là không ít những doanh nghiệp còn chưa đầu tư bài bản vào thiết kế website thương hiệu, một số lỗi thường gặp có thể kể ra như thiếu cấu hình cho thiết bị di động, các button Call to Action còn kém nổi bật và thu hút người xem, tốc độ tải trang còn tương đối chậm,…
Nếu doanh nghiệp và thương hiệu vẫn còn đang vướng mắc với những vấn đề hoàn toàn cơ bản đó, vậy giờ chính là lúc để thay đổi hoặc làm mới thiết kế website để củng cố hơn nữa tính hiệu quả của hệ thống Brand Identity, từ đó tiếp cận khách hàng tiềm năng một cách thân thiện và chủ động hơn để cải thiện mức độ hiệu quả của mô hình kinh doanh.
ĐÓNG GÓI SẢN PHẨM
Nếu các thương hiệu hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử lấy website bán hàng làm đầu não, thì các thương hiệu kinh doanh sản phẩm vật lí cũng sẽ xem bao bì sản phẩm giống như linh hồn của chính họ.
Bao bì là chìa khoá mở ra cánh cửa đến với trái tim và khối óc, hình thành niềm yêu thích hay xa hơn nữa là lòng trung thành thương hiệu đến từ người tiêu dùng.
Cũng giống như thiết kế logo thương hiệu, thiết kế bao bì cho sản phẩm không chỉ đơn giản là tạo ra một hình ảnh đẹp hay bắt mắt. Có hàng nghìn mặt hàng khác nhau trên kệ hàng siêu thị, trong khi số thương hiệu hay mẫu quảng cáo sản phẩm mà mỗi người có thể bắt gặp trong suốt 24 giờ hằng ngày còn gấp nhiều lần như thế.
Vì vậy không có bao bì sản phẩm đẹp vì thẩm mỹ của mỗi người là hoàn toàn khác nhau, chỉ có bao bì sản phẩm ấn tượng và ngay lập tức để lại thiện cảm trong tâm trí khách hàng.
THIẾT KẾ NAMECARD
Thiết kế namecard là hạng mục thường nhận được ít sự đầu tư nhất, cả về thời gian, chất xám lẫn chi phí từ đội ngũ thiết kế và những người đứng đầu của một doanh nghiệp. Trong suy nghĩ của nhiều người namecard chỉ được sử dụng khi gặp gỡ và tiếp xúc với số ít đối tác, còn lại không đóng góp quá nhiều vào việc xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp cho thương hiệu.
Trái ngược với những suy nghĩ đó, namecard và thiết kế của nó còn đóng vai trò củng cố cái nhìn tích cực đến từ khách hàng dành cho chính thương hiệu, doanh nghiệp và cả mô hình kinh doanh.
Quan điểm của người sở hữu cũng như tính cách của doanh nghiệp và thương hiệu được toát lên từ chính thiết kế namecard, với kiểu dáng phổ biến nhất là một mặt có in logo thương hiệu và mặt còn lại là thông tin của cá nhân hoặc doanh nghiệp đó.
THIẾT KẾ EMAIL
Statista đã dự đoán rằng đến năm 2022, số lượng email marketing trung bình được gửi đi mỗi ngày sẽ đạt mốc 347 tỷ. Điều này chứng tỏ độ phổ biến và tầm ảnh hưởng của email marketing đối với thế giới nói chung và thị trường nói riêng đang ngày một nhân rộng, cho thấy tầm quan trọng của nó trong quyết định hành vi mua bán sản phẩm hoặc chọn lựa sử dụng dịch vụ.
Xu hướng kiểm tra email ngoài giờ làm việc đã phát triển rất mạnh trong vài năm gần đây, thậm chí theo khảo sát từ Adobe không ít người đã thừa nhận họ có thói quen kiểm tra email từ lúc mới thức dậy.
Rõ ràng cơ hội và tiềm năng của email marketing đang là vô cùng rộng mở, điều quan trọng là thiết kế email marketing sao cho thương hiệu của bạn trở nên thật sự khác biệt và nổi bật – giữa muôn trùng tin nhắn email được gửi đến hòm thư một cách vô tội vạ rồi cũng chìm vào quên lãng gần như ngay lập tức.
XÂY DỰNG TONE OF VOICE
Đã hơn một lần Vũ nhắc đến tầm quan trọng của tính nhất quán trong xây dựng hình ảnh thương hiệu và hệ thống Brand Identity, thông qua các bài viết làm mới định nghĩa cũng như củng cố kiến thức xây dựng thương hiệu trước đây.
Khách hàng chắc chắn sẽ khó lòng chọn gắn bó với một thương hiệu sử dụng quá nhiều tông giọng khác nhau, cho nhiều chiến dịch truyền thông khác nhau bởi đây chính là biểu hiện rõ ràng nhất của sự thiếu chuyên nghiệp trong tạo dựng Brand Identity.
Sai lầm thường gặp của các thương hiệu còn quá non trẻ, thiếu định hướng trong xây dựng nhận diện thương hiệu chính là sử dụng quá nhiều tông giọng khác nhau.
Trong khi tone of voice là một yếu tố thể hiện mạnh mẽ nhất bản sắc của thương hiệu – thông qua cảm nhận bằng chính thính giác và thị giác của khách hàng tiềm năng. Tone of voice ngắn gọn, giàu ý nghĩa và có độ nhất quán giống như một lời khẳng định rằng thương hiệu của bạn sẽ không bao giờ chạy theo những giá trị phù phiếm – bằng cách quay lưng lại với những giá trị cốt lõi và tính cách thương hiệu đã cam kết ngay từ buổi ban đầu.
BRAND IDENTITY BƯỚC BỐN – VIẾT BRAND GUIDELINES HOÀN CHỈNH
Một lần nữa tầm quan trọng của tính nhất quán trong xây dựng nhận diện thương hiệu lại được nói đến. Tính nhất quán không chỉ đóng vai trò chủ chốt trong hoàn thiện thẩm mỹ, mà còn thể hiện sự chuyên nghiệp trong chiến lược truyền thông của một thương hiệu.
Sẽ ra sao nếu hình ảnh hay màu sắc của thương hiệu trên website là một kiểu này, nhưng thể hiện trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội lại thành một kiểu khác?
Brand Guidelines chính là kim chỉ nam giúp dẫn lối đội ngũ truyền thông thương hiệu đảm bảo được sự nhất quán, sử dụng tập hợp Brand Identity đúng lúc đúng chỗ và quan trọng hơn hết là đảm bảo đúng ý đồ của đội ngũ thiết kế.
Một số hạng mục thường được đưa vào trong Brand Guidelines như biến thể logo, những thiết kế có thể dùng hoặc không được dùng, tuân thủ kích thước và màu sắc wordmark, điều chỉnh khi thương hiệu này đứng cạnh một thương hiệu khác,…
LIÊN HỆ GIỮA BỘ NHẬN DIỆN THƯƠNG HIỆU VỚI BRAND IDENTITY
Không ít người trong số chúng ta dễ dàng bị thu hút bởi những bài báo chứa nhiều hình ảnh hay những ngòi bút kể chuyện sinh động qua ảnh, mối dây liên kết giữa tập hợp Brand Identity với bộ nhận diện thương hiệu cũng tương tự như vậy.
Bộ nhận diện thương hiệu là phiên bản giàu hình ảnh của Brand Identity, được trau chuốt và tối ưu khả năng sáng tạo của đội ngũ thiết kế nhằm mang đến tính thẩm mỹ tuyệt đối cho hình ảnh thương hiệu.
Từ sáu đầu mục tối thiểu phải có trong hệ thống Brand Identity vừa nêu bao gồm Logo, Website, Namecard, Email, đóng gói sản phẩm và Tone of Voice, đội ngũ xây dựng hình ảnh thương hiệu sẽ có một nền tảng đủ tốt để thiết kế bộ nhận diện thương hiệu.
Sao cho mỗi khi nhìn vào từng hạng mục nhỏ nhất, đơn giản nhất của bộ nhận diện dù chỉ là một chiếc áo thun hay một chiếc bì thư, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được câu chuyện cũng như hàng loạt giá trị cốt lõi của thương hiệu bằng chính những giác quan của mình.
LỜI KẾT
Brand Identity giúp thương hiệu trở nên thật sự khác biệt so với chính các đối thủ cạnh tranh, là lời tuyên ngôn giúp các khách hàng tiềm năng biết đến, tin tưởng và chọn gắn bó trung thành với thương hiệu trong một tương lai bền vững.
Nguồn: AdvertisingVietnam/ Vũ Agency