7 câu chuyện thú vị phía sau logo các thương hiệu nổi tiếng
Các thương hiệu nổi tiếng đều có những câu chuyện rất thú vị đứng đằng sau logo làm nên chỗ đứng của họ trong dòng chảy kim tiền lịch sử thế giới.
1. Phần mềm xem video VLC Media Player sử dụng hình nón giao thông làm biểu tượng vì các sinh viên viết mã cho dự án VideoLAN… uống say
Chúng ta hẳn ai cũng từng xem phim trên máy tính bằng phần mềm này, và vào khoảng thời gian chờ đợi (tưởng như vô tận) để phần mềm khởi động các đoạn phim, hẳn ai cũng từng nhìn thấy biểu tượng nón giao thông. Nếu bạn đã từng thắc mắc biểu tượng đó có ý nghĩa là gì thì đây chính là câu trả lời khiến bạn có thể yên lòng trong những lần xem phim kế tiếp.
Đơn vị khởi tạo ra chương trình VLC Media Player là Hiệp hội ViaRézo của Hội Sinh viên Mạng Học có trụ sở ở École Centrale, Pháp. Vào một lần, vài sinh viên của hiệp hội này đi chơi và trở về trụ sở trong trạng thái say khướt, đồng thời cũng tiện tay bê trộm một chiếc nón giao thông về… bày trong văn phòng. Kể từ sau đó, hiệp hội này bắt đầu sở thích kỳ quặc là thu thập và sưu tập các nón giao thông.
Khi dự án VideoLAN bắt đầu phát triển mảng VLC Media Player, cả hội sinh viên lầy lội này đã quyết định sử dụng hình nón giao thông kể trên làm biểu tượng cho phần mềm này, cũng như những ngày hoàng kim say xỉn của họ vậy.
2. Logo của chuỗi cửa hàng Domino’s Pizza có ba chấm tròn vì chủ thương hiệu này không nghĩ nó sẽ thành công tới vậy
Domino’s ban đầu là cửa hàng pizza tên DomiNick, được mua lại bởi Tom Monaghan và người anh trai tên James. Hai anh em ban đầu thỏa thuận chia thời gian với nhau để cùng quản lý cửa hàng này. Nhưng James không muốn buông bỏ công việc bưu điện toàn thời gian của mình chỉ để quản lý và điều hành kinh doanh pizza. Anh ta bỏ việc ít lâu sau đó và bán một nửa vốn của mình cho Tom.
Vào năm 1965, Tom mua thêm hai cửa hàng pizza và mở rộng kinh doanh. Anh ấy muốn cả ba cửa hàng đều có chung một thương hiệu. Do chủ sở hữu ban đầu của DomiNick cấm anh ta sử dụng cái tên ban đầu, Tom đổi tên cửa hàng thành Domino’s Pizza sau khi được nghe gợi ý từ một nhân viên của mình.
Do ban đầu chỉ có ba cửa hàng, Tom đã quyết định thêm ba dấu chấm vào logo. Ông cũng dự định cho thêm một dấu chấm cho mỗi cửa hàng mới mỗi khi mở rộng kinh doanh thêm một cái. Nhưng công việc kinh doanh mở rộng đến mức Tom phải bỏ ý tưởng đó, vì nếu ông tiếp tục ý tưởng ban đầu của mình, bây giờ logo của Domino’s Pizza sẽ có tới hơn 13.000 chấm, nhìn như cái bánh đa vừng chứ không còn là bánh pizza nữa.
3. Logo của Walt Disney không phải dựa trên chữ ký tay của ông như nhiều người từng nghĩ. Nó được tạo ra vì ông bị… bận
Biểu trưng của Walt Disney được mọi người trên thế giới và ở mọi độ tuổi công nhận một cách rộng rãi. Logo ban đầu của hãng phim hoạt hình này chỉ có những từ “Walt Disney Presents”. Hình ảnh lâu đài mãi về sau mới được thêm vào sau.
Nhưng đó không phải là phần hấp dẫn. Hầu hết chúng ta đều tin rằng đó là chữ ký của Walt Disney xuất hiện trên logo, nhưng trên thực tế, đó là một phiên bản cách điệu từ chữ ký thực sự của Walt được tạo ra bởi một nhóm nghệ sĩ.
Khi công ty bắt đầu phát triển, Walt đã không có nhiều thời gian để ký từng mẩu thư gửi từ fan hâm mộ mà ông nhận được. Thư ký của Walt và một số nhân viên khác là những người sẽ chăm sóc cho khoản thư tín của fan và ký tên thay mặt Walt. Điều này đã dẫn đến một tình huống éo le trong những năm 1940, khi mà chữ ký giả của Walt còn nhiều hơn so với bản gốc.
Các nghệ sĩ đã tạo ra một phiên bản chữ ký thống nhất để tất cả mọi người sử dụng và ký theo, trong đó có cả Walt Disney. Phiên bản được cách điệu trở nên phổ biến đến nỗi nó chính Walt Disney cũng chấp nhận mất một thời gian khó khăn khi ký tên theo cách của người khác. Qua nhiều năm, Walt đã cố gắng để thay đổi chữ ký của mình để phù hợp với phiên bản cách điệu, nhưng bạn vẫn có thể nhìn thấy sự khác biệt nếu tinh ý một chút.
4. Logo của Bluetooth thì có cả một giai thoại ở phía sau
Ericsson đã đặt tên cho công nghệ mang tính cách mạng của họ là “Bluetooth” theo tên của Harald Bluetooth, người trị vì Đan Mạch vào giữa những năm 958 và 986 sau Công nguyên. Trong thời kỳ cai trị của mình, ông đã truyền bá Kitô giáo cho Đan Mạch và Na Uy, đồng thời góp phần vào việc thống nhất các bộ lạc Đan Mạch khác nhau dưới một vương quốc chung duy nhất. Sự liên tưởng về đồng nhất này được sử dụng khi đặt tên cho công nghệ không dây Bluetooth bởi vì, giống như vị vua thống nhất Đan Mạch, công nghệ này cho phép thống nhất các thiết bị khác nhau và làm cho giao tiếp giữa chúng dễ dàng hơn.
Logo Bluetooth sau cùng được thiết kế bằng cách sử dụng chữ rune. Trong logo, hai từ rune Young Futhark, hay còn được gọi là rune Scandinavia, đứng đầu tên của nhà vua được sáp nhập – ᚼ (Hagall) và ᛒ (Bjarkan).
5. Logo ngựa đua của Ferrari ban đầu được trang trí trên chiếc máy bay của Count Francesco Baracca, phi công lừng danh của Ý trong Thế chiến thứ nhất
Những người hâm mộ dòng xe đua hạng sang có biểu tượng ngựa đực lộng vó của Ferrari từ lâu đã khắc sâu vào tâm trí của họ logo hoang dại đẹp đẽ này. Tuy nhiên, bạn có biết,con ngựa này vốn là biểu tượng của phi công Ý huyền thoại Count Francesco Baracca. Anh đã hy sinh trong Thế chiến thứ nhất sau khi hoàn thành 34 trận chiến chi biết đến mùi thắng lợi. Và, Francesco có vẽ biểu tượng một con ngựa lên chiếc máy bay của mình.
Khi Enzo Ferrari gặp cha mẹ của Francesco, mẹ của Francesco đã gợi ý rằng Enzo nên sử dụng biểu tượng ngựa hoang giương vó trên chiếc xe ô tô của mình và nó sẽ mang lại may mắn cho ông (thật sự đó, dù cho Francesco đã tử nạn, nhưng trước đó ông cũng thắng tới 34 trận mà). Chỉ 12 năm sau đó Enzo Ferrari, đã sử dụng biểu tượng lừng danh nọ trên chiếc xe Scuderia tại cuộc đua SPA 24 Hours năm 1932, và Ferrari đã giành chiến thắng trong cuộc đua. Kể từ đó, con ngựa được đổi sang màu đen như trên máy bay của Francesco.
Không chỉ có Ferrari, trong những ngày đầu lập nghiệp, thương hiệu motor nổi tiếng Ducati đã từng sử dụng biểu tượng con ngựa, nhưng theo thời gian đã dần từ bỏ nó.
6. Logo quả táo cắn dở của Apple ra đời như thế nào?
Có rất nhiều câu chuyện đằng sau logo của hãng Apple, tuy nhiên giai thoại được nhiều người biết đến và tin tưởng nhất trong một thời gian dài là logo này của Apple được thiết kế để vinh danh Alan Turing, người đàn ông huyền thoại đã đặt nền móng cho máy tính hiện đại và đưa vào cuộc sống khái niệm AI – trí tuệ nhân tạo. Tuy cực kỳ vĩ đại nhưng Alan Turing lại bị hắt hủi và kỳ thịt vì là người đồng tính, và vào thời điểm tức nước vỡ bờ, ông đã cắn một quả táo tẩm độc xyanua để tự kết liễu cuộc đời mình. Vì vậy, khi logo Apple được công bố, mọi người tin rằng nó đại diện cho quả táo mà Turing đã cắn để kết thúc cuộc đời của mình.
Nhưng trong năm 2009, trong một cuộc phỏng vấn với CreativeBits, Rob Janoff, người tạo ra biểu tượng của Apple, đã bác bỏ tất cả các huyền thoại liên quan đến sự ra đời của quả táo. Ông chỉ đề cập rằng, ý tưởng ban đầu của logo Apple là một quả táo, và ông làm nó bị cắn một miếng để quả táo đó nhìn đỡ giống quả cherry. Câu chuyện thực sự chỉ có vậy, xin lỗi nhé, Alan Turing.
7. Hình ‘chữ M’ trong “McDonald’s” không phải là “chữ M trong McDonald’s” đâu nhé!
Nghe hơi lắt léo khó hiểu quá đáng phải không? Nhưng đó hoàn toàn là sự thực, hình chữ M trong logo của “Mc Donald’s” hoàn toàn không liên quan gì đến tên của người đã khởi tạo đế chế đồ ăn nhanh góp phần đẩy nước Mỹ vào trạng thái béo phì và thèm khoai tây chiên này.
Khi anh em Richard và Maurice McDonald quyết định nâng cấp một tòa nhà mới để vận hành nhà hàng hamburger của mình, họ đã thuê kiến trúc sư Stanley Clark Meston thiết kế tòa nhà. Richard đã vẽ một bản phác hoạ bao gồm hai cổng vòm hình nửa vòng tròn mà ông nghĩ là sẽ bắt mắt người qua đường. Kiến trúc sư sau đó đã hiện thực hóa chúng thành một cặp parabol bằng kim loại cao 25 feet nổi bật, ánh sáng neon, bằng vàng. Để dễ hiểu hơn, bạn hãy tưởng tượng tới cổng parabol ở trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội, nhưng cao tới 7,5m và bắt mắt hơn rất nhiều.
Khi nhìn từ một góc chéo, hai vòm vàng hội tụ lại với nhau để tạo thành một phiên bản được cách điệu của chữ “M.” Khi Ray Kroc mua lại doanh nghiệp đó vào năm 1961, thiết kế đặc biệt của các vòm vàng đã được khéo léo kết hợp với logo của công ty. Fred Turner là chủ tịch đời kế của McDonald’s sau đó đã phác hoạ ra một logo thô với chữ “V.”, Jim Schindler, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật, đã mở rộng và xoay ngược phiên bản chữ “V” thành “M” và từ đó nó đã nhìn giống như một phẩn không thể thiếu ở mỗi cửa hàng McDonald’s ngày nay.
Nguồn: digimarkvn.com
Có thể bạn quan tâm: Marketing giỏi phải kiếm được tiền – Cựu CEO Marketing Coca Cola Segio Zyman