3 mánh khóe thuyết phục trong giao tiếp hằng ngày

By Nguyễn Liên 28/06/2021 14:30

Bạn gặp khó khăn khi từ chối yêu cầu của người khác? Vậy khả năng cao bạn đã rơi vào một trong 3 mánh khóe thuyết phục sau.

Bạn có bao giờ gặp khó khăn khi từ chối việc mà người khác yêu cầu? Hoặc dễ dàng bị thuyết phục ngay trong lần đầu tiên? Đôi khi không phải do nội dung, do người đề xuất hay do quá trình cân nhắc kỹ lưỡng của bạn, mà chính những mánh khóe tâm lý đã khiến bạn gật đầu.

Thử điểm qua những kỹ năng và phương pháp thuyết phục dưới đây xem, bạn có thấy quen không?

1. Kỹ thuật “Đặt một chân vào cửa”

Với kỹ thuật đặt một chân vào cửa (Foot-in-door technique), nếu bạn đã đồng ý với một yêu cầu nhỏ, khả năng cao bạn cũng đồng ý yêu cầu thứ 2 dù lớn hơn, vì bạn cảm thấy không nỡ từ chối một khi đã chấp thuận yêu cầu ban đầu.

Trong một nghiên cứu tại Mỹ trên 2 nhóm học sinh, một nhóm được hỏi trước về việc dành 3 tiếng tình nguyện tại cộng đồng ung thư Hoa Kỳ, và nhóm còn lại thì không. Ba ngày sau, họ được gọi để yêu cầu tham gia tình nguyện thật sự. Những người đã trả lời câu hỏi từ trước có chỉ số đồng ý cao hơn những người không trả lời.

Ngắn gọn là: đối phương đề ra một yêu cầu nhỏ để bạn đồng ý trước khi đưa ra yêu cầu thực sự.

A: “Bạn chỉ cần dành ra 2 phút để lại thông tin cho tổ chức của chúng mình nhé.”

B: “Không thành vấn đề!”

A: “Nếu vậy ngày mai chúng mình cũng có một buổi hội thảo, bạn cùng tham gia nhé.”

2. Kỹ thuật “Sập cửa trước mặt”

Người sử dụng kỹ thuật sập cửa trước mặt (Door-in-face technique) thuyết phục bạn bằng cách ngay từ đầu đưa ra yêu cầu cao mà họ biết bạn sẽ từ chối, từ đó tăng khả năng đồng ý với yêu cầu nhỏ hơn tiếp theo.

Kỹ thuật này thành công bởi nó đánh vào tâm lý bức bối và tội lỗi khi đã từ chối quá nhiều lần. Nghiên cứu cũng cho thấy kết quả chấp thuận sẽ cao nếu được yêu cầu bởi một người với nội dung tương tự nhau.

Ngắn gọn là: đối phương chia ra mức độ yêu cầu, thuyết phục từ cao đến thấp, và bắt đầu trình bày với bạn từ yêu cầu cao nhất.

A: “Bạn có thể quyên góp số tiền 500 nghìn cho quỹ của tụi mình không?”

B: “Xin lỗi mình không có nhu cầu ạ.”

A: “Vậy thì bạn chỉ cần quyên góp 100 nghìn để ủng hộ chúng mình nhé?”

B: “Mình không có sẵn tiền ở đây.”

A: “Vậy bạn để lại thông tin cá nhân cho những đợt quyên góp sau được không ạ?”

B: “Okay.”

3. Hiệu ứng lan truyền thông tin

Hiệu ứng lan truyền thông tin (Social proof/ social influence) thường sử dụng hình ảnh từ đám đông như người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng để thuyết phục ai đó.

Theo thuyết lan truyền thông tin, chúng ta luôn dễ bị ảnh hưởng bởi đám đông, đặc biệt những người có danh tiếng. Nhất là khi đối mặt với những điều mới, ta cảm thấy cần được hướng dẫn bởi người biết nó rõ hơn và hành động tương tự với những manh mối họ đưa ra.

Ngắn gọn là: đối phương sử dụng “lời truyền miệng” hoặc phương tiện truyền thông với nhân vật có sức ảnh hưởng để thuyết phục bạn.

Hiệu ứng này xuất hiện phổ biến nhất trong Marketing, hình thức thường thấy là đọc đánh giá (review) của người mua trước đó hoặc hỏi người quen đã từng sử dụng.

Nguồn: Báo mới

Có thể bạn quan tâm: Siêu Cò – Cách thức biến Quan hệ thành Tiền tệ – Judy Robinett

Siêu Cò – How To Be A Power Connector

ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

 

0
0 17
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments