Sinh viên 19 tuổi điều hành startup công nghệ 25 triệu USD
Trở thành CEO một startup công nghệ với 120 nhân viên toàn cầu, Harsh Dalal vẫn lên lớp, làm bài tập về nhà và sắp tới là thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Những người đam mê máy tính thường mơ ước xây dựng được ứng dụng đột phá so với đối thủ, giống như Harsh Dalal, 19 tuổi, sinh viên trường Bách khoa Singapore, người đã đồng sáng tạo ra một trong những ứng dụng quay lại màn hình đầu tiên ở tuổi 13.
Ứng dụng đó đã thu về 5 triệu lượt tải trong vài tuần. Tuy nhiên, sản phẩm do chàng trai gốc Ấn Độ, thường trú ở Singapore, xây dựng cùng những người bạn tuổi teen đã không khiến họ trở thành triệu phú, mặc dù có lợi thế đi đầu vào năm 2014.
“Chúng tôi đã không kiếm được bất kỳ khoản tiền nào từ đó, thật ngu ngốc vì chúng tôi không mong đợi nó thành công”, Harsh nhớ lại. Thay vì lưu trữ ứng dụng đó trên App Store của Apple, do không thể chi trả khoản phí hàng năm 99 USD, họ đã tải ứng dụng lên một nền tảng cung cấp dịch vụ lưu trữ miễn phí.
Harsh nói: “Đó là sản phẩm rất mới lạ chưa ai từng làm trước đây. Tôi khá sốc. Chúng tôi chỉ là năm đứa trẻ vẫn còn ham chơi, thử nghiệm với chiếc iPhone của mình và cách hoạt động của công nghệ”.
Dù bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền, thành công của ứng dụng đã mở đường cho doanh nhân trẻ này. Chàng trai 19 tuổi hiện là giám đốc điều hành của Công ty Phát triển phần mềm Team Labs, có khách hàng là Công ty Coca-Cola, Google và Hilton.
Là người trẻ nhất trong công ty, Harsh quản lý 120 nhân viên tại 8 thành phố trong khi vẫn theo kịp bài vở ở trường Bách khoa Singapore, nơi đang theo học để lấy bằng Quản trị kinh doanh.
Harsh Dalal sinh ra tại Ấn Độ, năm 6 tuổi, gia đình chuyển tới Singapore. Trong nhiều năm liền, Harsh phải chuyển nhà nhiều lần. Điều này khiến cậu bé phải vật lộn trong việc duy trì tình bạn lâu dài với những đứa trẻ hàng xóm.
“Tôi mất hết bạn bè mỗi khi chuyển nhà. Vì vậy, thay vì ở sân chơi, tôi thường ở nhà, ngồi trước laptop, lập trình hoặc làm những việc khác”, Harsh nói. Cũng chính vì vậy, khi là học sinh trường tiểu học Zhonghua, Harsh đã học lập trình bằng cách dành hàng giờ xem các hướng dẫn trên Youtube.
Ở tuổi 11, chán chiếc điện thoại Android chỉ có một trò chơi của mình, Harsh đã thử hack (đột nhập vào hệ thống của nó) để cài đặt một hệ điều hành khác nhằm tải thêm trò chơi nhưng không thành công.
Sau kỳ thi tốt nghiệp tiểu học, Harsh nhận được chiếc iPhone 4 do mẹ bỏ đi. Lần này, cậu bé đã xoay xở và bẻ khóa được thiết bị. “Tôi có ác cảm với việc bị kiểm soát. Thật khó để trở thành chính mình nếu có điều gì đó hạn chế mình”, Harsh chia sẻ.
Bị hấp dẫn bởi hệ điều hành iOS từ iPhone, Harsh bắt đầu lùng sục các diễn đàn dành cho lập trình viên của Apple để biết thêm thông tin. Cũng từ đó, cậu kết bạn với bốn người lạ, từ 14 đến 17 tuổi, đến từ Mỹ, Nga, Na Uy và Singapore.
Tham gia vì lợi ích chung, những thanh thiếu niên đã trao đổi các mẹo về lập trình, phát triển ứng dụng và bẻ khóa iPhone. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận về việc bẻ khóa đã khiến họ bị cấm trên các diễn đàn. Dù không còn trò chuyện trên nhóm, Harsh và bốn người bạn quyết định hợp tác với nhau.
Năm 2014, nhóm năm người đã phát triển ứng dụng ghi lại màn hình. “Rất nhiều thanh thiếu niên muốn ghi lại màn hình trên iPhone của họ và chúng tôi muốn tạo ra một ứng dụng ghi lại màn hình mà không bị bẻ khóa. Và chúng tôi đã thành công”, Harsh, khi đó là học sinh trường trung học Temasek, cho biết.
Ngoài ứng dụng ghi lại màn hình, nhóm của Harsh cũng tạo ra một cửa hàng ứng dụng thay thế có tên iDownload Pro, nơi các lập trình viên có thể tải lên các ứng dụng bị App Store từ chối. Có hơn 3 triệu lượt tải xuống, nhưng họ đã phải đóng cửa nó vào năm 2015 vì việc duy trì quá tốn kém. Apple cũng đặt ra cách xử lý nghiêm ngặt hơn đối với các cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba.
Mong muốn “trở thành lính đánh thuê để thế giới mượn kỹ năng của mình”, nhóm của Harsh bắt đầu cung cấp dịch vụ phát triển web và phần mềm. Còn quá trẻ để đăng ký thành lập công ty, một thành viên trong nhóm đã thuyết phục cha làm điều đó cho họ ở Vương quốc Anh. Công ty Team Labs ra đời và khách hàng đầu tiên đã trả 299 USD để phát triển một trang web.
Harsh nhớ lại đó là giai đoạn rất khó khăn. Họ luôn phải giữ mức giá rất thấp để cạnh tranh. “Tỷ suất lợi nhuận không hề tồn tại. Nếu tôi đến làm việc tại McDonald’s trong cùng khoảng thời gian, có lẽ tôi đã kiếm được nhiều tiền hơn”, Harsh so sánh.
Thế rồi khó khăn cũng dần qua đi. Năm 16 tuổi, Harsh và các bạn trong nhóm trúng thầu dự án trị giá 100.000 USD để phát triển ứng dụng tiếp thị cho công ty đa quốc gia. Năm thành viên mỗi người mang về 10.000 USD và đổ phần tiền còn lại vào công ty. “Ở thời điểm đó, tôi chưa bao giờ nhìn thấy nhiều số 0 như vậy”, Harsh nói.
Có tiền từ dự án, Harsh lại dành phần lớn đầu tư vào công ty. Chàng trai đã mua bitcoin với giá thấp và sau đó bán loại tiền này ở mức cao nhất để thu được lợi nhuận năm con số rồi chuyển số tiền đó vào việc kinh doanh.
Công ty bắt đầu đi lên cũng là lúc Harsh phải suy nghĩ nhiều về kế hoạch tiếp theo bởi vẫn đang đi học. Harsh đã tự hỏi liệu việc tiếp tục học có hợp lý không trong khi việc kinh doanh ngày càng ảnh hưởng đến điểm số. Cuối cùng, chàng trai quyết định sau trung học sẽ thi vào trường Bách khoa Singapore.
Về mặt kinh doanh, trong khi tiền bạc rủng rỉnh và công việc thú vị, Harsh không thích việc khách hàng chỉ đường hướng hoàn toàn. “Bởi vì khách hàng là thượng đế, bạn phải lắng nghe chính xác những gì họ muốn. Điều đó tạo ra rất nhiều hạn chế và sự thiếu tự do”, Harsh chia sẻ.
Vì vậy, năm 2017, công ty của Harsh chuyển trọng tâm sang phát triển phần mềm mà nền tảng phần mềm đầu tiên là công cụ nội bộ để nhân viên Team Labs làm việc vì họ ở các múi giờ khác nhau. Nền tảng này mang tên “Xenon”, cho phép lập trình viên hợp tác thiết kế, xây dựng và triển khai các sản phẩm kỹ thuật số trên cloud (đám mây). Hiện, Xenon có gần 70.000 người dùng.
Để gây quỹ cho sự phát triển của công ty, Harsh đã gửi hàng trăm email đến các nhà đầu tư mạo hiểm nhưng rất ít người trả lời. Họ cho rằng cậu còn quá trẻ để được xem xét tài trợ. “Ban đầu, tôi bị mất tinh thần. Tôi tự hỏi liệu có đáng phải vật lộn nhiều như vậy để có kinh phí hay không”, Harsh nhớ lại.
Nhưng rồi những câu trả lời như vậy không còn làm cậu bận tâm nữa. Cuối cùng, Harsh thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư từ Mỹ với số tiền lên tới sáu con số. Kể từ năm 2017, Team Labs đã huy động được 9,8 triệu USD trong nguồn vốn Series A, có trụ sợ chính tại San Francisco. Các nhà đầu tư gồm Grand Canyon Capital, Startup Capital Ventures và Korea Investment Corporation.
Hiện, chỉ nhân viên thực tập trẻ hơn Harsh, còn đa phần lớn hơn hàng chục tuổi. Trong số năm nhà đồng sáng lập, chỉ còn Harsh gắn bó với công ty. Những người còn lại đã rời đi vì những lý do như để học thêm hoặc bắt đầu một sự nghiệp kinh doanh khác.
“Thật đáng buồn khi tôi không thể tiếp tục nói chuyện với những người bạn đã gắn bó từ những ngày đầu thành lập. Chúng tôi đã chỉ tập trung vào những gì bản thân cảm thấy thú vị hơn là những gì kiếm ra tiền”, Harsh nói.
Dù vậy, CEO 19 tuổi vẫn cố gắng phát triển công ty. Năm ngoái, Team Labs đã định tung ra sản phẩm thứ ba, Argon, công cụ quản lý dự án nhưng phải tạm dừng do Covid-19. Thay vào đó, công ty đã rót 400.000 USD vào việc thiết kế Silicon – phần mềm dựa trên AI tích hợp thoại, cuộc gọi video và trò chuyện nhóm để tận dụng sự bùng nổ nhu cầu về phần mềm hội nghị trực tuyến.
Harsh tiết lộ trước Covid-19, Team Labs được định giá 25 triệu USD nhưng vẫn chưa có lãi. Để tiết kiệm chi phí, Team Labs đã từ bỏ không gian văn phòng vào năm ngoái. Tất cả nhân viên làm việc tại nhà và một số giám đốc điều hành đã bị cắt giảm lương. Bản thân Harsh cũng chuyển lương hàng tháng của mình trở lại công ty và khẳng định sẽ chỉ nhận lương khi công ty có lãi. Vì vậy, Harsh vẫn xin mẹ tiền tiêu vặt.
Bà Manju, mẹ của Harsh, bày tỏ tự hào về con trai: “Trong khi có thể sống như một thiếu niên bình thường, chơi game trên máy tính hoặc đi xem phim với bạn bè thì Harsh lại bận gấp đôi tôi”.
Khi được hỏi liệu có nuôi dưỡng tham vọng IPO như nhiều doanh nhân công nghệ khác, Harsh cho biết đang để ngỏ các lựa chọn. Sau khi lấy bằng tốt nghiệp trong năm nay, kế hoạch của cậu là học tại một trường đại học ở Singapore hoặc ở Mỹ. Nhưng trước đó, Harsh sẽ phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Điều này đồng nghĩa cậu phải rời xa công ty hai năm.
Nguồn: ndh