Phil Knight – nhà sáng lập hãng giày Nike và hành trình khởi nghiệp đầy thăng trầm

By Le Na 21/09/2020 10:00

Sau nhiều năm cùng với Nike vượt qua nhiều thăng trầm và sóng gió, đến nay, Phil Knight – nhà sáng lập của hãng giày nổi tiếng này đã là một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới. Năm 2017, hãng giày nổi tiếng đạt doanh thu 34 tỷ USD, có 74.400 nhân viên trên khắp thế giới và văn phòng tại 52 quốc gia.

Tốt nghiệp báo chí, khởi nghiệp với giày

Phil Knight có bằng cử nhân báo chí tại Đại học Oregon năm 1959. Sau khi nhập ngũ một năm, ông quay lại trường học, lấy bằng MBA tại Stanford và nảy ra ý tưởng mở công ty giày trong thời gian này. Ông hợp tác cùng Bill Bowerman – giảng viên tại Đại học Oregon. Mỗi người bỏ ra 500 USD để xây dựng công ty những ngày sơ khai có tên là Blue Ribbon Sports (BRS) mà sau này trở thành Nike.

Nhà sáng lập hãng giày Nike – Phil Knight.

Thời điểm công ty chính thức đổi tên thành Nike là vào năm 1971, nhiều vận động viên nổi tiếng mang giày của họ và giúp doanh thu tăng trưởng gấp đôi hằng năm. Sự kết nối của Knight và Bowerman với cộng đồng những người yêu thích chạy bộ, cộng thêm việc tập trung sản xuất những sản phẩm chất lượng đã đưa Nike trở thành lựa chọn hàng đầu của các vận động viên chuyên nghiệp.

Những năm thuộc thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước, Nike tăng trưởng một cách nhanh chóng với doanh thu 867 triệu USD. Năm 1982, công ty trình làng mẫu Air Force – dòng đầu tiên của Nike có tính năng Nike Air với một túi khí ở gót chân, có thêm đệm và hỗ trợ cho những vận động viên bóng rổ. Mẫu này nhanh chóng trở thành một trong những đôi sneaker được ưa chuộng nhất mọi thời đại. Đến nay, hàng triệu đôi vẫn được tiêu thụ hàng năm.

Con đường kinh doanh đầy thăng trầm

Một trong những thành tựu lớn nhất của Knight là ký hợp đồng với vận động viên bóng rổ huyền thoại Michael Jordan. Mẫu giày Air Jordan đã trở thành một trong những cái bắt tay thành công nhất mọi thời đại trong lĩnh vực sneaker. Air Jordan có mặt ở kệ tại các cửa hàng của Nike vào tháng 3/1985 với giá 65 USD một đôi. Chỉ trong 2 tháng, công ty đã thu được 70 triệu USD tiền bán dòng giày này, góp vào doanh thu hơn 100 triệu USD cho Nike cuối năm đó.

Một trong những thành tựu lớn nhất của Knight là ký hợp đồng với vận động viên bóng rổ huyền thoại Michael Jordan.

Tuy nhiên, có một thời gian Nike dính tai tiếng và bị khách hàng tẩy chay khiến doanh thu của thương hiệu giày bắt đầu sụt giảm. Knight nhận ra dù Nike cố gắng tiếp thị đến rất nhiều vận động viên thể thao nhưng khách hàng của họ đa phần là những công dân bình thường, hầu hết thậm chí còn không sử dụng giày cho các hoạt động thể thao.

Thế là, CEO Phil Knight bắt đầu đưa Nike chuyển dịch từ công ty định hướng về sản phẩm sang tiếp thị. Ông dần hấp dẫn khách hàng hơn mỗi ngày, từ đó kéo doanh thu lên. Đến cuối năm 1991, công ty giành lại vị trí vốn có trên thị trường với tổng doanh số 3 tỷ USD. Sau đó, công chúng dần nhận biết những dấu ấn mới và quay trở lại với Nike. Họ tiếp tục lấy lại vị thế thương hiệu giày hàng đầu thế giới. Nike giữ vững chỗ đứng trên thị trường và trong lòng người tiêu dùng, với doanh thu hàng năm hiện nay luôn ở mức 30 tỷ USD mỗi năm.

Thành công ắt phải trải qua những ngày gian khổ

Một trong những bài học ông đề cập dành cho các thế hệ tiếp nối là để có được sự thành công thì chắc chắn phải trải qua những khó khăn, thử thách và ngày tháng gian khổ. Lấy ví dụ với Steve Jobs, con người tài ba này phải bước qua rất nhiều thăng trầm trước khi có thể tạo nên đế chế mang tên Apple. “Mọi người đều phải trải qua những khoảnh khắc như vậy. Bất cứ người làm kinh doanh nào cũng phải chuẩn bị cho rất nhiều ngày đen tối, họ phải thật sự thích những gì mình đang làm và phải có lý do làm điều đó để bước tới thành công”.

Thành công ắt phải trải qua những ngày gian khổ

Động lực khi thức dậy và làm việc mỗi ngày của Knight trong suốt năm thập kỷ là tình yêu với công ty và Nike. Mỗi lần bước xuống phố và nhìn thấy nhiều người mang giày của hãng mình, tỷ phú cảm thấy ấm áp. Với ông, điều đó thể hiện cho sức sống của Nike, rằng ông và đội ngũ của mình đã làm ra một đế chế không bao giờ lỗi thời trong suốt nhiều thập kỷ qua. “Nó vẫn mãi là điều kỳ diệu đến hôm nay”, ông nói về “đứa con” của mình.

Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn

Có thể bạn quan tâm: Nuốt Cá Lớn Bí quyết giúp thương hiệu thách thức đối đầu với thương hiệu dẫn đầu Adam Morgan

ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

 

0
0 61
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments