Công thức hồi sinh nghề truyền thống

By Nguyễn Liên 13/11/2021 12:00

Việt Nam có nhiều nghề thủ công truyền thống rất quý. Có những nghề có đến cả ngàn năm lịch sử, trở thành một tài sản vô hình của quốc gia và thậm chí có thể tạo ra một sự ghen tỵ không nhỏ cho một số quốc gia hay nền văn hoá khác.

Việt Nam có nhiều nghề thủ công truyền thống rất quý. Có những nghề có đến cả ngàn năm lịch sử, trở thành một tài sản vô hình của quốc gia và thậm chí có thể tạo ra một sự ghen tỵ không nhỏ cho một số quốc gia hay nền văn hoá khác.

Thế nhưng, các nghề ấy sống thế nào trong thế giới hiện đại?

Thời gian học nghề quá dài, chi phí công sức tiêu tốn để có một sản phẩm quá nhiều dẫn tới năng suất lao động quá thấp và chi phí sản phẩm quá cao. Trong khi đấy con người bây giờ dường như ai cũng quá gấp gáp vội vã nên không kịp dừng lại để chiêm ngưỡng những vẻ đẹp tinh tế và chất lượng vượt trội mà nghệ nhân đã dày công tác tạo.

Người ta hài lòng với những chi tiết rập khuôn CNC “nhanh như chớp”, những nước sơn “xi mạ rẻ tiền”, những chi tiết in 3D “gì cũng được”, những sản phẩm thương hiệu “made in Quảng Châu”, những nồi bánh chưng 2 giờ nấu, cá kho 30 phút đun hay gói xôi 5 phút tạt ngang dọc đường hay 10 mét qua ngay cửa hàng tiện ích?

Cơ hội nào cho sản phẩm thủ công truyền thống?

Khi đi vào phân tích, ta thấy phần lớn các nghề thủ công có 3 thuộc tính được công chúng công nhận: tinh xảo, đắt đỏ, và hiếm quý.

Đã là nghề thủ công truyền thừa được qua cả ngàn năm thì chắc chắn phải có những bí quyết nghề nghiệp để tạo ra được những chi tiết hay sản phẩm tinh xảo hơn so với những sản phẩm phổ thông khác. Còn nếu không thì chắc hẳn chúng đã bị trộn lẫn và đào thải trong dòng lịch sử khắc nghiệt ấy.

 

Thế nhưng, sự tinh xảo ấy có thể cao hơn máy móc độ chính xác cao, đặc biệt là trong kỹ nguyên mà máy móc và rô bốt có thể thực hiện những thao tác chính xác và chính xác hơn con người?

Yêu cầu tinh xảo trong đầu ra sản phẩm dẫn đến yêu cầu cao hơn cho nguyên vật liệu và nhân công. Người thợ phải nằm trong nhóm những người khéo tay nhất, được đào tạo rất kỹ lưỡng trong cả thập niên và thời gian để chăm chút tập trung làm nên một sản phẩm cũng dài. Những điều ấy tạo ra thuộc tính đắt đỏ cho sản phẩm thủ công.

Cũng may là cùng với sự đắt đỏ và tinh xảo ấy thì số lượng của các sản phẩm là không quá nhiều và tạo được rung động cho đối tượng khách hàng mục tiêu của chúng. Và do vậy, chúng có được tính Hiếm quý. Hiếm bởi đắt đỏ, và Quý bởi tinh xảo.

Thế nhưng khách hàng bây giờ có còn rung động với những sản phẩm truyền thống ấy nữa hay không? Nhất là khi quan điểm về chất lượng, công năng, tinh xảo và mức độ chấp nhận giá bây giờ đã rất khác so với ngày xưa?

Đâu là lối ra cho làng nghề truyền thống?

Vài năm trước tôi có vô tình được đọc một bài trên báo Nhân dân về nghề đậu bạc, một trong bốn nghề truyền thống mang tính đặc trưng của Thăng Long xưa. Những thỏi bạc được dát mỏng, kéo thành những sợi mỏng hơn các sợi tóc, rồi xe lại với nhau thành các sợi chỉ trước khi tạo thành các hoạ tiết trang trí trên đồ trang sức.

Cũng nghề bạc như Hàng Bạc ngày xưa, nhưng trong khi nơi chỉ đơn thuần mua bán vẫn kiếm tiền vô số thì những người làm nghề chuyên môn, tạo ra giá trị gia tăng lại dần bị thất sủng. Các gia đình làm nghề đậu bạc Định Công dần bỏ hay xa nghề.

Một người bạn của tôi học công nghệ thông tin nhưng lại làm ngọc trai. Sau đâu hơn chục năm làm cho một hãng ngọc trai nước ngoài và học được khá nhiều bí quyết công nghệ chăn nuôi chế tác, ông bạn ấy quyết định khởi nghiệp để phát triển một thương hiệu riêng. Việc tưởng dễ, vì nắm bí quyết công nghệ và tay nghề trong tay nên làm ra những sản phẩm đẹp không khó. Thế nhưng, cũng đã mất đến 5 – 6 năm trầy trụa mà vẫn còn nhạt thành công.

Tay nghề giỏi là chưa đủ. Sản phẩm chất lượng dường như chỉ mới là điều kiện cần.

Những nghề thủ công nói chung, và nghề thủ công truyền thống Việt Nam nói riêng cần một thứ gì đó khác hơn rất nhiều để có thể thành công.

Trong câu chuyện về nghề đậu bạc ở bên trên, sự may mắn đến khi một số vị khách quốc tế biết đến hàm lượng tinh hoa đúc kết trong những sản phẩm tưởng chừng như đơn giản ấy. Họ mua để tặng cho nhau. Và các sản phẩm này dần trở thành những quà tặng vừa giá trị, vừa tinh tế, vừa có hàm lượng văn hoá cao mà lại có tính duy nhất. Nghề truyền thống này dần được phục sinh.

Và đặc biệt thú vị là câu chuyện mà những người làm nghề này thuyết phục được thương hiệu rượu danh tiếng quốc tế sử dụng để trang trí trên vỏ và hộp của những chai rượu đắt tiền nhất của họ. Những người uống những chai rượu đắt tiền ấy chắc hẳn sẽ ít biết được rằng mình đang được nhận một món quà cực kỳ kết tinh nghề rượu Âu châu với nghề đậu bạc Việt Nam. Một sự hoà quyện văn hoá rất thú vị và khơi gợi nhiều rung động.

Còn trong câu chuyện về ngọc trai, người bạn ấy đã phải chịu khó tham gia nhiệt tình trong các hội đoàn doanh nhân, các cuộc thi sắc đẹp và tài trợ quà tặng cho các VIP và siêu VIP. Và khi các người đẹp hàng đầu, các mệnh phụ phu nhân hay các nguyên thủ nước ngoài nhận và hãnh diện đeo những đồ trang sức đến từ ngọc trai ấy, sức hút thương hiệu và hiệu quả kinh doanh của Ngọc trai Hoàng gia tăng trưởng không ngừng như gắn tên lửa sau lưng.

Thế bí quyết phải chăng là biến sản phẩm thành quà tặng?

Một anh bộ đội phục viên muốn khởi nghiệp với những ô mai, sấu dầm vốn đầy những kỷ niệm của tuổi thơ. Bỏ ra rất nhiều những thời gian và tiền bạc để học nghề, anh mất thêm 6 năm để cải tiến công thức sấu bao tử. Rồi thêm bao nhiêu công sức và chi phí nữa để đủ có quy trình quản lý vừa cho phép sản xuất quy mô lớn, vừa không sợ bị sao chép và mất cắp công thức.

Sau rất nhiều những tích luỹ, những sản phẩm của Ô mai Hồng Lam dần trở thành đại diện tiêu biểu nhất của Tinh hoa quà Việt cho bạn bè trong nước và quốc tế.

Một chàng kỹ sư xây dựng có công việc tốt nhưng vẫn bỏ nghề, đi theo tiếng gọi của trái tim về quê làm mắm. Mang tư duy công nghệ vào quy trình làm nghề truyền thống, anh liên tục học hỏi, cải tiến và ứng dụng công nghệ trong nhiều khâu của quy trình.

Anh cũng lắng nghe những hành vi tiêu dùng của khách hàng hiện đại để rồi tạo ra được dòng nước mắm vẫn đậm chất truyền thống nhưng lại thanh vị nhẹ mùi mà không dùng đến hoá chất. Sản phẩm dần khẳng định được mình bằng sự xuất hiện trên hầu khắp hệ thống siêu thị lớn và xuất khẩu. Thương hiệu nước mắm Lê Gia cũng vinh dự lọt vào danh sách 20 sản phẩm OCOP (mỗi địa phương một sản phẩm) 5 sao quốc gia.

Thế bí quyết phải chăng là cải tiến quy trình sản xuất và quản lý?

Một bạn sinh viên nữ nhỏ nhắn của xứ Huế xưa, khi du học tại New Zealand bỗng có ý tưởng muốn đưa những sản phẩm thủ công của quê hương giới thiệu với bạn bè quốc tế. Sau khi tìm hiểu kỹ càng gu và sức mua của khách hàng quốc tế, cô quyết định đặt mẫu và tổ chức kinh doanh.

Việc kinh doanh khá thuận lợi và cô dần tạo dựng được uy tín và thương hiệu cá nhân ngày càng cao ở lứa tuổi còn rất trẻ mà đỉnh cao là lọt vào danh sách 30 người trẻ dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất Việt Nam (Forbes 30 under 30).

Con trai của một người làm gốm truyền thống ở Sông Bé khi tiếp nhận cơ nghiệp của gia đình đã quyết định phải làm khác đi. Anh không bằng lòng và không hướng đến nhóm khách hàng trong vùng hay trong nước mà nhắm đến những khách hàng quốc tế khó tính nhưng rất sẵn sàng chi trả nếu đảm bảo được các yêu cầu khắt khe của họ. Dần dần cùng với quá trình đáp ứng ấy, công nghệ và những tiêu chuẩn cao ấy đã dần nâng tầm doanh nghiệp lên.

Điều này đến lượt nó lại giúp doanh nghiệp này vượt trội hơn hầu hết những cơ sở sản xuất trong nước khác để hầu như một mình một chợ. Hiếm người ngoài ngành biết rằng từ những chậu cảnh tại hầu hết các resort bốn năm sao cao cấp ở Phú Quốc, Côn Đảo, Long Hải, Nha Trang đến những bồn hoa khổng lồ trước lăng Bác và trong trung tâm hội nghị quốc gia đều là sản phẩm của PDL. 90% lượng hàng gốm nhập vào Mỹ và bán trong các hệ thống của Costco cũng đến từ các nhà máy của anh.

Thế bí quyết phải chăng là khách hàng mục tiêu mới?

Đi sâu tìm hiểu về những trường hợp thành công ấy, tôi có một số nhận xét ban đầu như sau:

Cần bắt đầu với một tình yêu đủ lớn và hiểu biết rất sâu với nghề truyền thống. Nếu không bạn sẽ rất dễ để bỏ cuộc hoặc lạc hướng.

Nhưng dứt khoát cần nhìn nhận nghề với một tư duy mới hơn, cởi mở hơn và ước mơ lớn hơn. Tư duy này sẽ giúp những người làm nghề đúc kết và lắng đọn, trăn trở và chọn lọc, mở rộng và đầu tư. Điều này giúp các bạn hướng tới nhóm khách hàng mục tiêu khác, đông hơn và sẵn sàng chi trả hơn. Tư duy này cũng sẽ giúp bạn cải tiến những công thức và cách làm mới để thành công ở quy mô công nghiệp chứ không chỉ dừng lại ở bí quyết thủ công của gia đình hay làng nghề.

Giữ tinh hoa của nghề, nhưng không nên cực đoan với những thành tựu công nghệ của thời đại. Cần biết cách ứng dụng công nghệ mới vào để giảm thời gian, chi phí, tăng chất lượng, mức độ đồng đều của sản phẩm và quá trình phục vụ khách hàng.

Phải tìm được trong những thuộc tính của sản phẩm những gì có thể làm cho đối tượng khách hàng ấy rung động và gắn bó. Tốt nhất phải là những giá trị vô hình để khó bị sao chép hay bắt chước hơn. Hãy nghĩ lại đi, khi người ta rung động, người ta sẽ rất hào phóng trong chi tiêu và thậm chí giúp chúng ta quảng bá hay bán hàng.

Và cuối cùng, phải tìm được những đối tác cùng tầng mây và đủ chất lượng. Thời của một mình ăn hết đã qua rồi. Kỷ nguyên của sự hợp tác và thành công đang tới. Hãy nghĩ xem nếu PDL không có những đối tác nước ngoài phù hợp, hay làng nghệ đậu bạc không tìm được thương hiệu rượu lý tưởng ấy thì liệu họ có thể có được những thành công như hiện tại hay không?

Đối tác ấy nhất thiết phải có cái mà mình cần, và cần cái mình có, nhưng lại không thể tự làm một mình được. Đối tác ấy nên có cùng nhóm khách hàng với những giá trị và mối quan tâm chung gần giống mình.

Tôi thèm thuồng mong đợi một ngày mà những sản phẩm truyền thống Việt Nam sẽ khởi sắc và làm đại sứ đại diện cho đất nước đi cùng bạn bè năm châu. Những bánh gạo, rượu sake của người Nhật, rượu sochu hay kim chi Hàn Quốc, túi xách giày da Ý, phô mai Thuỵ Sĩ, rượu vang Pháp, rượu whiskey Scotland chẳng phải cũng đã phải bắt đầu như vậy hay sao?

Nghĩ lớn và bắt đầu bằng từng việc nhỏ.

Nguồn: Theleader.vn

Có thể bạn quan tâm:
NUỐT CÁ LỚN – BÍ MẬT THAY ĐỔI CUỘC CHƠI TỪ NHỮNG THƯƠNG HIỆU SINH SAU ĐẺ MUỘN TRÊN THỊ TRƯỜNG

ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

0
0 28
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments