Chiến dịch marketing ‘xâm chiếm’ của Prada: Phân phối túi chính hãng giá 3 USD trong chợ, người dân ùn ùn kéo đến ‘check-in’, mua hàng
Một người bình luận: “Đó là sản phẩm Prada duy nhất mà tôi có thể mua”.
Mới đây, Prada – tập đoàn đồ xa xỉ của Ý, đã tạm thời chuyển sự chú ý từ các trung tâm mua sắm sang trọng ở Thượng Hải sang một số khu chợ ẩm ướt bình dân của thành phố.
Hàng nghìn người đã đổ xô đến chợ Wuzhong với mục đích duy nhất là “check-in với các loại rau củ được gói trong bao bì hay túi giấy “chính hãng” Prada. Từ khi sự kiện kéo dài 2 tuần bắt đầu từ ngày 27/9, nhiều người tiêu dùng (chủ yếu là người trẻ, thích “tự sướng” và mê đồ hiệu) đã tập trung tại khu chợ này để chụp ảnh khoe lên mạng xã hội.
Liu Bin và mẹ vợ, người có quầy bán rau củ, trái cây và rau gần lối vào chợ, nói rằng nhiều người trẻ đã ghé qua đây với mục đích trên. Thậm chí, một số người dùng mạng xã hội còn gọi Wuzhong là “chợ ẩm thực thời trang nhất”. Một người bình luận: “Đó là sản phẩm Prada duy nhất mà tôi có thể mua”.
Chiến dịch marketing lần này của Prada tại khu chợ ẩm ướt rộng 2.000 mét vuông nhằm mục đích quảng bá cho chiến dịch toàn cầu mùa thu – đông 2021 mang tên “Feels Like Prada” của hãng.
Tuy Prada đã thành công trong việc thu hút sự chú ý của người tiêu dùng và tăng sự hiện diện trên mạng xã hội nhưng một số người vẫn đặt câu hỏi về việc lựa chọn địa điểm và ý nghĩa của chiến dịch.
Một chuyên gia cho biết con đường nơi họp chợ Wuzhong từ lâu là một trong những điểm đến chính của Thượng Hải. Dù vậy, chiến dịch của Prada đã phần nào làm gián đoạn cuộc sống của người dân nơi đây.
“Nó có thể giống một sự giao thoa thì đưa những biểu tượng của sự sang trọng không thường thấy trong đời sống hàng ngày vào một khu chợ bình dân. Mặt khác, nó cũng có thể được hiểu như một cuộc ‘xâm lược’ của các biểu tượng của chủ nghĩa tiêu dùng”, ông nhận định.
Một số người dân địa phương cho biết họ không có bất cứ lo ngại nào về chiến dịch của Prada. Trong khi đó, những người trẻ đến khu chợ để “check-in” nói rằng chiến dịch này dường như đem lại lợi ích hơn là có hại.
Yang Yingchen, một chuyên gia quảng cáo 28 tuổi, cho biết: “Prada cũng đã tính toán kỹ lưỡng. Tôi cảm thấy nó ổn và nhiều người biết tới cũng như mua sắm ở chợ hơn. 1/3 số người đến để ‘check-in’ đã mua rau chứ không chỉ chụp ảnh”.
Trong những năm qua, một số thương hiệu cao cấp đã tập trung nhiều vào thị trường châu Á. Việc này giúp đóng góp đáng kể vào doanh thu của họ. Châu Á – Thái Bình Dương là thị trường chính của Prada. Doanh số bán hàng của tập đoàn này trong nửa đầu năm 2021 đã tăng vọt 77% so với cùng kỳ năm 2019.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của khu vực này, Prada đã chọn Thượng Hải là một trong 5 thành phố ở ngoài nước Ý cho chiến dịch “Feels Like Prada”. Tương tự khu chợ bình dân ở Thượng Hải, Prada đang lên kế hoạch “xâm chiếm” các tiệm bánh và chợ rau quả ở Milan, Florence, Rome, Paris, London, New York và Tokyo.
Tại Chợ Wuzhong, người bán hàng cho biết đại diện thương hiệu phân phối một số lượng có hạn túi Prada 2 lần/ngày vào 10 giờ sáng và 1 giờ chiều với giá 3 USD. Những ai đến trước sẽ được phục vụ trước. Liu, một người bán rau và hoa quả cho biết anh khá lo lắng vì nhiều vị khách chỉ “check-in” chứ không mua gì.
“Tôi chỉ nhắc nhở họ cẩn thận vì rau quả rất dễ hỏng nếu không nhẹ tay. Với khách quen, tôi bảo họ tránh những lúc đông người đến ‘check-in’ vì có thể họ sẽ không muốn mua hàng khi có đám đông người chụp ảnh xung quanh”, Liu cho biết.
Một chuyên gia khác nhận định việc các thương hiệu xa xỉ chiếm lĩnh không gian bình dân để tăng khả năng nhận diện trên mạng xã hội sẽ không có sức hấp dẫn lâu dài. Thay vào đó, họ nên tìm cách tốt hơn để kết nối với người tiêu dùng hiện tại và khách hàng tiềm năng.
Nguồn: Doanh nghiệp & Tiếp thị
Có thể bạn quan tâm: BỘ SÁCH MARKETING – BÁN HÀNG ĐỈNH CAO