Câu chuyện thành công của ông chủ Jeff Bezos từ hành trình xây dựng đế chế Amazon khổng lồ
Từ khi được thành lập vào năm 1994, Amazon đã phát triển không ngừng từ một cửa hàng sách trực tuyến đến một trung tâm thương mại buôn bán mọi thứ. Thành công của Amazon không chỉ ở cách bán hàng sáng tạo, chiến lược thương mại thiên tài của ông chủ Jeff Bezos, nó còn là tầm nhìn sáng suốt của ông về thương mại điện tử và tầm ảnh hưởng của internet đến cách chúng ta kinh doanh như thế nào.
Jeff Bezos – nhà sáng lập, chủ tịch và CEO của Amazon trong từng chiến lược, đường đi nước bước của mình đã dạy chúng ta những bí quyết thành công đáng học hỏi!
1. Hãy hành động
Chỉ thông qua hành động cố ý thì chúng ta mới có thể “bẻ cong vũ trụ” theo ý muốn của mình. Nhưng nhiều người nghĩ rằng chúng ta phải biết được hành động phù hợp nào là chính xác trước khi làm bất cứ điều gì. Lối suy nghĩ này dẫn đến việc bị “tê liệt phân tích” và không hành động.
Ông chủ Bezos không phải là kiểu người bị rơi vào cái bẫy này. Mặc dù ông cũng nhận thức được rằng hành động sai lầm sẽ có hậu quả tiêu cực, ông vẫn không bận tâm: “Nếu bạn quyết định sẽ chỉ làm những việc bạn biết là có tác dụng, bạn sẽ đánh mất rất nhiều cơ hội”.
Năm 1994, Jeff Bezos đã phải đối mặt với quyết định lớn nhất của cuộc đời mình: ông nên tiếp tục làm quản lý quỹ đầu tư NYC “được trả lương hậu hĩnh” hay từ bỏ công việc đó để tạo dựng một cửa hàng sách trực tuyến? Ông đã quyết định lái xe trên khắp nước Mỹ và mua tên miền phù hợp Amazon.com. Phần còn lại hẳn bạn đã biết.
Khi Amazon đã phát triển, Bezos khuyến khích nhân viên của mình phạm sai lầm bên cạnh hành động. Đôi khi điều này dẫn đến thành công chói lọi (sự phát triển của mua sắm với một cú nhấp chuột), nhưng cũng có lúc dẫn đến thất bại (sự phát triển của Amazon Auction – không thể cạnh tranh với Ebay).
Ông chủ Bezos không ngại gặp phải những sai lầm thường xuyên: “Chúng tôi sẵn sàng bước qua một loạt những đường hầm tối tăm và đôi khi chúng tôi tìm thấy điều gì đó thực sự có tác dụng”. Đó là một phần của triết lý công ty của Amazon. Bezos coi việc có “sự thiên vị cho hành động” là 1 trong 6 giá trị cốt lõi của Amazon.
2. Giảm thiểu sự hối tiếc
Khi ông chủ Bezos băn khoăn nên hay không nên từ bỏ công việc và bắt đầu Amazon.com, ông nhận ra rằng mình đã thiếu mất khuôn khổ phân tích để đưa ra quyết định lớn lao trong cuộc sống. Vì vậy, ông đã thực hiện điều đó: “Khuôn khổ tôi tìm thấy giúp cho việc đưa ra quyết định trở nên vô cùng dễ dàng, tôi gọi đó là “khuôn khổ giảm thiểu sự hối tiếc” – một người bình thường cũng sẽ gọi như thế. Tôi muốn thấy bản thân mình đi đến tuổi 80 và nói: ‘Được rồi, bây giờ tôi đang nhìn lại cuộc sống của mình. Tôi muốn mình đã giảm thiểu tất cả sự hối tiếc’”.
Trong quan điểm này, việc quyết định đúng đắn rất rõ ràng. Ở tuổi 80, ông chủ Bezos sẽ không hối tiếc khi đã đánh mất công việc của mình (chắc chắn ông ấy sẽ tìm được một công việc tốt sau đó), nhưng ông vẫn sẽ tự trách chính mình vì không đổ tiền mặt vào cơn sốt vàng trực tuyến (tại thời điểm đó, Internet đã phát triển với tốc độ 2.300% mỗi năm). “Tôi biết rằng nếu thất bại thì tôi sẽ không hối tiếc, nhưng tôi biết một điều tôi có thể hối tiếc là không cố gắng”.
Hãy áp dụng “khuôn khổ giảm thiểu sự hối tiếc” của Bezos cho chính mình, bạn có thể ngạc nhiên với những hành động bạn có do khuôn khổ đó truyền cảm hứng cho bạn.
3. Phát triển chậm
Sẽ mất bao lâu trước khi một doanh nghiệp non trẻ có được lợi nhuận? Phải chăng là 6 tháng? Đối với Jeff Bezos và Amazon.com, phải mất hơn 6 năm. Thậm chí sau đó công ty này cũng chỉ tạo ra khoảng 5 triệu USD lợi nhuận từ doanh thu trên 1 tỷ USD.
Nghe có vẻ như một khoảng thời gian dài (và biên độ “mỏng như dao cạo”), nhưng tất cả đã đi theo kế hoạch kinh doanh nhịp độ chậm bất thường của Bezos. Ông đã không vội vàng để thu về lợi nhuận bởi vì muốn giữ giá thấp, trong khi doanh thu tái đầu tư càng nhiều càng tốt trở lại công ty.
Chiến lược này gây thất vọng cho các nhà đầu tư trong ngắn hạn, nhưng nó đã được đền đáp một cách xứng đáng khi Amazon sống sót sau sự bùng nổ của bong bóng dot-com và bắt đầu có được lợi nhuận lớn hơn qua từng quý.
4. Khuyến khích quảng cáo truyền miệng
Khi ông chủ Bezos bắt đầu Amazon, ông đã không có ngân sách tiếp thị. Cách duy nhất để công ty của ông có thể thành công được là vận dụng quảng cáo truyền miệng. “Nếu bạn tạo dựng được trải nghiệm tuyệt vời, khách hàng sẽ nói với nhau về điều đó. Sức mạng của quảng cáo truyền miệng rất mạnh mẽ”.
Không có cách nào tốt hơn việc thông qua lời truyền miệng tích cực để doanh nghiệp phát triển. Cách duy nhất để đạt được điều đó là cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ đáng được nói đến. Một phần của điều đó có nghĩa cung cấp dịch vụ khách hàng tuyệt vời…
5. Không có gì quan trọng hơn khách hàng
Mọi người đều biết rằng khách hàng luôn luôn đúng. Nhưng ông chủ Bezos và Amazon đã đưa triết lý ưu tiên khách hàng lên mức tối đa. Đối với Bezos, sự hài lòng của khách hàng không chỉ là tất cả mọi thứ mà còn là điều duy nhất. Đó là nền tảng mô hình kinh doanh của ông: “Điều quan trọng nhất là tập trung hoàn toàn vào khách hàng. Mục tiêu của chúng tôi là trở thành công ty lấy khách hàng làm trung tâm tốt nhất trên trái đất”.
Bezos cho rằng dịch vụ khách hàng là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Amazon: “Nếu có một lý do nào đó mà chúng tôi đã làm tốt hơn so với các đồng nghiệp của mình trong không gian Internet hơn 6 năm qua, đó là vì chúng tôi đã tập trung tuyệt đối vào trải nghiệm của khách hàng”.
Trải nghiệm của khách hàng chưa bao giờ được coi trọng như thế trên mạng. Những lời truyền miệng lan ra nhanh chóng trên các mạng xã hội và đối thủ cạnh tranh của bạn luôn luôn chỉ cách bạn một cú nhấp chuột. Nếu bạn muốn thương hiệu của mình phát triển mạnh mẽ trên mạng, hãy tập trung tuyệt đối vào sự hài lòng của khách hàng giống như Amazon.
6. Tính phí ít hơn
Một số công ty luôn cố gắng tìm cách để tính phí cho bạn nhiều hơn nữa, chẳng hạn như những phụ phí mà các hãng hàng không và đại lý xe hơi tính trên mức giá quảng cáo.
Amazon hoàn toàn có thể thực hiện chiến lược này, nhưng họ đã không làm. Thay vào đó, ông chủ Bezos nói với nhân viên của mình phải tìm cách để cắt giảm chi phí và tăng hiệu quả, thậm chí để có thể tính phí khách hàng của họ ít hơn. “Có hai loại công ty: một loại cố gắng để tính phí nhiều hơn và một loại tính phí ít hơn. Chúng tôi là loại thứ hai”.
Thật dễ dàng để tăng doanh thu bằng cách tăng mức giá của bạn, nhưng việc đó cũng có thể dẫn đến sự không hài lòng của khách hàng (và làm giảm doanh thu của bạn trong thời gian dài). Trước khi bạn tính phí nhiều hơn, hãy làm mọi thứ có thể để khiến cho mô hình kinh doanh của bạn rẻ hơn và hiệu quả hơn. Bạn sẽ tăng được lợi nhuận của mình và thậm chí bạn có thể tính phí cho khách hàng của bạn ít hơn. Đôi bên cùng có lợi.
7. Không bao giờ ngừng đổi mới
“Sự phát triển không phải là điều nguy hiểm”. Con người bình thường lo sợ sự thay đổi. Jeff Bezos sợ bị trở nên trì trệ hơn. Xu hướng thúc đẩy của ông đã đem lại cho Amazon.com danh tiếng là một công ty nhanh nhẹn và luôn luôn phát triển.
Amazon bắt đầu đơn giản với việc bán sách, nhưng họ đã không ngừng mở rộng kể từ khi ra đời. Ngày nay, Amazon bán gần như tất cả mọi thứ – nhưng họ cũng tạo ra các sản phẩm riêng của mình, cung cấp một loạt các dịch vụ web và thậm chí vận chuyển hàng hóa đến tận cửa nhà bạn (nếu bạn sống ở Washington). Chính vì thế việc mua hàng trên Amazon trở nên dễ dàng hơn bất cứ lúc nào
8. Hãy ngoan cố một cách linh hoạt
“Để tạo ra điều gì đó thì bạn phải kết hợp được sự ngoan cố và tính linh hoạt, nhiều hơn hoặc ít hơn cùng một lúc”. Bezos là người hiểu được giá trị của nghịch lý này.
Có vẻ như không khả thi để có được sự ngoan cố và tính linh hoạt cùng lúc, nhưng đó chính xác là những gì Amazon có. Bezos giải thích: “Nếu bạn không ngoan cố, bạn sẽ từ bỏ thử nghiệm quá sớm. Và nếu bạn không linh hoạt, bạn sẽ đâm đầu vào tường mà không thấy các giải pháp khác cho vấn đề mà bạn đang cố gắng giải quyết”.
Ngoan cố và linh hoạt đều là những đặc điểm có giá trị. Giống như bất cứ điều gì trong cuộc sống, điểm mấu chốt là tìm kiếm lối “đi chung giữa hai bên”.
9. Hãy thực tế
Will Smith đã nói: “Thực tế là con đường phổ biến nhất để đi đến sự tầm thường”, nghĩa là nếu bạn không bao giờ cho phép mình tưởng tượng về cuộc sống phi thường thì bạn sẽ không cách nào có được một cuộc sống như thế. Tuy nhiên, bạn có thể mơ ước hơi quá đà – và điều này đặc biệt phổ biến đối với các doanh nhân. Nếu bạn mong đợi thành công ngay tức thì với nỗ lực tối thiểu, bạn đang tạo ra cho bản thân sự thất bại và nỗi thất vọng không bao giờ kết thúc.
Như ông chủ Bezos đã chỉ ra, hãy thực tế với doanh nghiệp của bạn cũng là một cách để giảm bớt áp lực khi là một doanh nhân: “Điều quan trọng là các doanh nhân phải thật thực tế. Vì vậy, nếu bạn tin vào cái ngày đầu tiên khi bạn đang viết bản kế hoạch kinh doanh rằng có 70% khả năng toàn bộ mọi thứ sẽ thất bại, ý nghĩ đó sẽ tạo ra áp lực bởi sự thiếu tự tin”.
10. Hãy mô phỏng
Thật tốt khi là duy nhất. Nhưng sẽ tốt hơn khi đưa sự duy nhất đó vào những điều đã được chứng minh là có tác dụng. “Chúng tôi dõi theo đối thủ cạnh tranh của mình, học hỏi từ họ, xem những gì họ đã làm cho khách hàng và mô phỏng điều đó với những gì chúng tôi có thể làm”.
Đừng nhắm mắt làm ngơ đối thủ cạnh tranh của bạn, rất có thể họ đang làm việc gì đó mà bạn có thể học hỏi được.
11. Làm ngược trở lại
Làm thế nào để bạn phát triển một sản phẩm đảm bảo bán được? Lời khuyên tốt nhất là trước tiên hãy tìm ra những gì khách hàng của bạn thực sự muốn và cần. Cung cấp những điều đó với sản phẩm của bạn và bạn sẽ không gặp rắc rối với việc bán hàng.
Đây là một chiến lược mà Amazon đã thực hiện nhiều lần, nổi tiếng nhất với thiết bị đọc sách điện tử mang tên Kindle. Bezos giải thích: “Có hai cách để mở rộng kinh doanh. Tận dụng những gì bạn giỏi và mở rộng ra từ các kỹ năng của bạn. Hoặc xác định những gì khách hàng của bạn cần và làm ngược trở lại, ngay cả khi việc đó đòi hỏi bạn phải học những kỹ năng mới”.
Năm 2006, Amazon là một nhà bán lẻ trực tuyến – không phải là nhà sản xuất thiết bị điện tử cầm tay. Nhưng Bezos nhận ra rằng người tiêu dùng của Amazon cần một thiết bị để đọc những cuốn sách điện tử họ đã mua từ trang web của ông. Vì vậy, Amazon đã làm ngược trở lại để đáp ứng nhu cầu đó.
Khi Amazon phát hành Kindle thế hệ đầu tiên vào tháng 10/2007, họ đã bán hết trong vòng 6 giờ (và tiếp tục cháy hàng trong 5 tháng). Cho đến nay, Kindle vẫn dẫn đầu trong các loại thiết bị đọc sách điện tử và vào tháng 10/2011, họ công bố đã bán được “hơn” một triệu doanh số bán hàng mỗi tuần.
12. Bị hiểu lầm cũng không sao
Khi bạn có một ý tưởng kinh doanh có thể thay đổi thế giới (như Jeff Bezos đã làm vào năm 1994), chắc chắn sẽ có những người không hiểu được nó. Suy nghĩ của bạn càng mang tính cách mạng thì càng nhiều khả năng nó sẽ bị hiểu lầm.
Bezos đã rất vững vàng khi nói đến điều này: “Chúng tôi rất thoải mái khi bị hiểu lầm. Chúng tôi đã có rất nhiều thực hành”. Amazon không bao giờ né tránh ý tưởng tốt chỉ vì sợ một số khách hàng của mình sẽ không thích nó. Theo Bezos, họ đã “luôn luôn có nhiều người hoài nghi”, nhưng họ tự tin vào tầm nhìn của mình – và tự tin rằng họ có thể biến những người hoài nghi trở thành những người tin tưởng.
13. Hãy kén chọn nhân viên
Một trong những giá trị cốt lõi của Amazon là có một thước đo tuyển dụng cao. Điều đó có nghĩa là họ chỉ thuê một nhân viên mới nếu người đó hoàn toàn phù hợp.
“Tôi thà phỏng vấn 50 người và không thuê bất kỳ ai, còn hơn là thuê nhầm người”. Bezos rất kỹ tính với những người ông thuê vì ông nhận ra rằng văn hóa công ty sẽ trôi chảy một cách tự nhiên từ những nhân viên bạn sử dụng. Tính đến tháng 4/2012, Amazon.com đã thuê khoảng 56.000 trong số những người sáng giá nhất trên thế giới.
14. Hãy nhìn xa trông rộng
Bezos thừa nhận rằng “có rất nhiều người tin rằng bạn nên sống cho hiện tại”. Nhưng ông nói: “Tôi chỉ không phải là một trong số họ”. Ông khuyên mọi người nên “nghĩ về khoảng thời gian dài phía trước và cố gắng để đảm bảo rằng bạn đang lên kế hoạch cho điều đó theo một cách sẽ đem lại cho bạn sự hài lòng cuối cùng”.
Những lợi ích của kinh doanh dài hạn
Amazon là một công ty sẵn sàng hy sinh lợi nhuận được đảm bảo hôm nay với hy vọng có được lợi nhuận lớn hơn trong một thập kỷ sau đó. Bezos đã nói rằng “đôi khi chúng tôi đánh giá sự việc và thấy rằng nó thực sự gây tổn hại cho việc bán hàng trong ngắn hạn nhưng chúng tôi vẫn làm”.
Đây là lý do của ông: “Các phép toán luôn nói với bạn rằng không nên giảm giá bởi vì bạn sẽ kiếm được ít tiền. Điều đó chắc chắn đúng trong quý hiện tại, trong năm nay. Nhưng có thể là không thật sự đúng trong thời gian 10 năm, khi lợi ích đang làm tăng tần suất khách hàng mua sắm với bạn, phần hàng hóa họ mua của bạn sẽ trái ngược với những nơi khác. Sự hài lòng tổng thể của họ sẽ tăng lên”. Bezos thà tính phí ít đi cho mọi người hôm nay để họ sẽ sử dụng một lần nữa vào ngày mai.
15. Tạo ra lịch sử
“Tôi vẫn chưa đi đến phần cuối của câu chuyện”. Đối với chúng ta, có vẻ như Bezos đã đạt tới đỉnh cao của mình – đỉnh cao của thành tích kinh doanh. Nhưng trong tâm trí của Bezos, ông vẫn còn một quãng đường dài để đi. Bezos công khai nói rằng ông vẫn chưa xây dựng được “một công ty lâu dài” và rằng “Internet nói chung và Amazon.com nói riêng vẫn còn đang ở Chương I”.
Bezos đã làm nên lịch sử. Và nếu bạn muốn tìm thấy thành công tương tự, bạn sẽ phải chấp nhận thái độ “đi tới cùng hoặc quay về nhà” của ông. “Hãy làm việc chăm chỉ, vui vẻ và làm nên lịch sử”.
Nguồn: Sapo
Có thể bạn quan tâm: 396 LỜI KHUYÊN ĐẮT GIÁ VỀ KINH DOANH – TRÒ CHUYỆN 5 ĐÔ VỚI DOANH NHÂN TRIỆU ĐÔ