“Bẫy tâm lý” FOMO và cách ứng dụng hiệu quả trong Marketing
FOMO Marketing phát huy tối đa hiệu quả của nó trong bối cảnh con người bị bủa vây bởi hàng tá những thông tin “Không biết đâu là đúng? Đâu là sai? Đâu là tốt? Đâu là xấu?”, và mỗi người chúng ta không ai muốn biến mình trở thành “người tối cổ” vì đã bỏ lỡ một vài thông tin quan trọng.
Một trong những điều quan trọng để làm content marketing hiệu quả và thu hút khách hàng chính là nắm bắt được tâm lý của họ. Và hội chứng FOMO chính là một cái “bẫy tâm lý” mà bất kỳ marketer nào cũng nên thành thạo để ứng dụng cho doanh nghiệp của mình.
Hội chứng FOMO – Khi cả thế giới có thứ đó, tôi cũng phải có bằng được
Hội chứng FOMO mang ý nghĩa gì?
Hội chứng FOMO (Fear of Missing Out) được Dan Herman – chuyên gia nghiên cứu chiến lược Marketing công bố lần đầu vào năm 2000 trên cuốn tạp chí về quản trị thương hiệu.
Hội chứng này đánh mạnh vào nỗi sợ sâu thẳm của con người, đó là sợ bỏ lỡ một cơ hội nào đó và sợ bị bỏ lại phía sau. Trước đây, hội chứng FOMO chưa được chú ý nhiều và chỉ thực sự bùng phát mạnh mẽ khi trào lưu mạng xã hội được thịnh hành, khiến con người bị bủa vây bởi hàng tá thông tin khác nhau. Ai cũng mong muốn được cập nhật, ai cũng hy vọng mình không bỏ lỡ bất kỳ thông tin quan trọng nào. Nhất là thế hệ người trẻ, họ sẵn sàng bỏ ra 5 – 6 tiếng trên social media để theo dõi các sự kiện đang và sẽ xảy ra.
Tiềm năng của FOMO Marketing
Trong marketing, hội chứng FOMO được xem như là một biến thể của hội chứng khan hiếm, buộc chúng ta phải mua hàng vì không nỡ bỏ lỡ cơ hội.
Thống kê cho thấy: FOMO Marketing tiếp cận hiệu quả nhất với thế hệ Gen Z. Khoảng 69% cá nhân Gen Z có tâm lý FOMO và 60% cá nhân thực hiện hành động mua hàng chỉ vì họ cảm thấy mình có thể sẽ bỏ lỡ.
Theo báo cáo từ Hootsuite và WeAreSocial, số lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam là 72 triệu người vào tháng 1/2021 (tương đương 73,7% tổng dân số) và vẫn đang trên đà tăng trưởng. Đây được đánh giá là một con số tiềm năng mà các thương hiệu nên ứng dụng hội chứng FOMO để khai thác trong tương lai. Thương hiệu có thể tiếp cận thế hệ genZ trên nhiều nền tảng social media khác nhau, sử dụng FOMO Marketing để chuyển đổi hành vi mua hàng của họ.
Ứng dụng hội chứng FOMO trong Content Marketing
Nhiều doanh nghiệp không khuyến khích nhân viên của mình tận dụng hội chứng FOMO trong Content Marketing. Tuy nhiên không thể phủ nhận được hiệu quả chuyển đổi mua hàng mà hội chứng này đem lại.
Dưới đây là một số ứng dụng về hội chứng FOMO trong Content Marketing:
Sử dụng những cụm từ mạnh
Trong các thông điệp quảng cáo tới người tiêu dùng, marketers hãy đặc biệt nhấn mạnh vào những cơ hội mà khách hàng có thể bỏ lỡ nếu như không mua bằng những cụm từ mạnh như:
- Cơ hội cuối cùng
- Nhanh tay lên
- Lần đầu tiên giảm sốc
- Bạn sẽ hối tiếc nếu
- Đừng bỏ lỡ….
Doanh nghiệp của bạn có thể đưa các cụm từ mạnh này vào nội dung khuyến mãi hay ưu đãi có giới hạn về thời gian.
Nhấn mạnh vào sự khan hiếm của sản phẩm
Sự khan hiếm là một yếu tố quan trọng trong FOMO Marketing. Chúng ta thường thích những gì đặc biệt, duy nhất và xem nhẹ những thứ đại trà. Càng ít cơ hội có được sản phẩm này, ta lại càng khao khát sở hữu nó hơn. Các nhà marketer có thể vận dụng khéo léo tính khan hiếm của sản phẩm để thúc đẩy doanh thu bằng nhiều cách khác nhau. Cụ thể:
- Hiển thị những mặt hàng có sẵn, sắp hết hàng, duy nhất: Chỉ còn 2 chiếc, chỉ còn 1 chiếc, phiên bản giới hạn, thiết kế độc quyền,…
- Tung các mặt hàng có số lượng giới hạn và khách hàng chỉ có thể mua được trong một khoảng thời gian nhất định (Flash sale)
- Giảm giá cho 100 người mua đầu tiên.
- Khuyến mãi tặng quà cho 1.000 người trong ngày đầu khai trương.
- Giảm 70% tổng bill dành riêng cho khách hàng đặt hàng qua app và mang về.
Khách hàng muốn sở hữu iphone của Apple cần phải xếp hàng dài và đặt hàng trước 1 – 2 tuần
Sử dụng “đồng hồ đếm ngược”
Buộc khách hàng phải suy nghĩ nhanh hơn nhờ chiến thuật sử dụng “Đồng hồ đếm ngược”. Nếu như khách hàng ghé thăm website của bạn, hay nhận được một tờ flyer quảng cáo và nhận được thông điệp họ sắp hết thời gian để có được một sản phẩm “giá hời” thì họ sẽ có xu hướng hoàn tất việc mua sắm của mình hơn.
Hãng Chemical Guys cũng đã áp dụng chiến thuật này vào sản phẩm của mình thông qua việc cung cấp các mức ưu đãi khác nhau vào các ngày khác nhau.
“Đồng hồ đếm ngược” trong FOMO Marketing thường được áp dụng với các chương trình giảm giá ngắn hạn
Sử dụng những nội dung marketing “ngắn hạn”
Snapchat và Instagram story là hai nền tảng được doanh nghiệp lựa chọn sử dụng cho những nội dung có tính thời hạn, vì những nội dung này chỉ xuất hiện 24 giờ kể từ thời gian bạn đăng tải. Mục đích của việc này sẽ buộc người dùng phải xem hết nội dung trước khi nó biến mất, hoặc là xem hoặc là bỏ lỡ cơ hội mãi mãi.
Instagram Stories – Ứng dụng tiêu biểu cho việc tạo nội dung “ngắn hạn”
Kích hoạt hội chứng FOMO với hình ảnh nổi bật
Con người thường phản ứng nhanh với hình ảnh hơn là chữ viết, đặc biệt là những hình ảnh độc đáo, sáng tạo, nổi bật… Bạn có thể thiết kế những banner có hình ảnh chiếm diện tích lớn, bắt mắt đi kèm với các nội dung “Đừng bỏ lỡ”, “Số lượng có hạn”… để níu chân và tác động đến hành động mua của khách hàng.
Đây là ví dụ điển hình của thương hiệu Express.
Express – Nổi bật với thiết kế ấn tượng đi kèm thông điệp “Don’t miss out!” kích thích thị giác và ảnh hưởng gián tiếp đến hành vi mua hàng
Kết
Hội chứng FOMO đang ngày càng được ứng dụng phổ biến trong marketing. Mặc dù hình thành bởi một số cảm xúc tiêu cực nhưng FOMO Marketing vẫn là một công cụ tiếp thị hiệu quả, nhất là trong thời đại phát triển mạnh mẽ của internet và phương tiện xã hội. Nắm rõ hội chứng tâm lý này sẽ giúp cho các marketer hiểu rõ hành vi của khách hàng và đưa ra những chiến dịch Marketing phù hợp.
Nguồn: MarketingAI
Có thể bạn quan tâm:
BỘ SÁCH MARKETING BÁN HÀNG ĐẠT DOANH SỐ VÀNG THỜI ĐẠI 4.0