Những công ty khởi nghiệp ‘ngã ngựa’ năm 2020: Công ty huy động được 1,75 tỷ USD vẫn thất bại

By Le Na 10/01/2021 19:00

Năm 2020 chứng kiến sự thất bại của nhiều startup trên thế giới. Dưới đây là 5 công ty khởi nghiệp huy động được hàng triệu, thậm chí hàng tỷ USD nhưng vẫn phải tuyên bố dừng hoạt động.

Quibi (2018-2020)

Tổng vốn huy động: 1,75 tỷ USD

Những startup ‘ngã ngựa’ năm 2020: Công ty huy động được 1,75 tỷ USD vẫn thất bại
Meg Whitman, cựu CEO HP là nhà đồng sáng lập của Quibi. Ảnh: Getty Images

So với phần lớn startup công nghệ khác, sự ra đời của Quibi giống như một giấc mơ của nhiều người khi được thành lập bởi những doanh nhân kỳ cựu và huy động thành công số tiền lên đến 1,75 tỷ USD. Hai nhà sáng lập Quibi là ông Jeffrey Katzenberg – đồng sáng lập xưởng phim hoạt hình DreamWorks Animation và bà Meg Whitman – cựu CEO của tập đoàn công nghệ Hewlett-Packard.

Quibi là ứng dụng cung cấp những đoạn video ngắn dưới 10 phút trên điện thoại di động. Tên gọi của ứng dụng được viết tắt của cụm từ “quick bites”, dùng để chỉ những điều “nhanh và sẵn có”. Nội dung các video bao gồm các bộ phim, show truyền hình thực tế, tin tức.

Với tiềm lực tài chính dồi dào, nhiều chuyên gia cho rằng startup này sẽ là đối thủ lớn của Netflix – nền tảng cung cấp video có thu phí nổi tiếng toàn thế giới.

Sản phẩm của Quibi chính thức ra mắt vào ngày 6/4 với giá 5 USD mỗi tháng có quảng cáo. Phiên bản cao cấp hơn không có quảng cáo là 8 USD/tháng. Ngoài ra, ban đầu họ cung cấp 90 ngày sử dụng miễn phí cho tất cả người dùng. Tuy nhiên, sau 90 ngày cho dùng thử miễn phí, tờ The Verge thống kê chỉ có 8% lượt khách của Quibi chuyển sang thuê bao trả tiền.

Đến tháng 10, WSJ tiết lộ Quibi đã đóng cửa sau 6 tháng hoạt động. Katzenberg và Whitman viết thư gửi các nhà đầu tư và nhân viên nói rằng công ty đã thất bại bởi đại dịch và ý tưởng kinh doanh chưa đủ mạnh.

Essential (2017-2020)

Tổng vốn huy động: 330 triệu USD

Những startup ‘ngã ngựa’ năm 2020: Công ty huy động được 1,75 tỷ USD vẫn thất bại
Essential dừng hoạt động vì “thiếu định hướng”. Ảnh: Darrell Etherington

Tháng 2 năm nay, Essential, công ty điện thoại do đồng sáng lập Android Andy Rubin thành lập tuyên bố ngừng hoạt động vì “thiếu định hướng”. Sản phẩm hoàn chỉnh duy nhất của công ty là chiếc smartphone Essential Phone. Chiếc smartphone thứ hai của Essential bị hủy bỏ, một số dự án khác như trợ lý ảo và hệ điều hành nhà thông minh cũng chưa được ra mắt.

“Tầm nhìn của chúng tôi là phát minh ra một mẫu điện toán di động tích hợp liền mạch hơn với nhu cầu và lối sống của mọi người. Bất chấp nỗ lực cao, sản phẩm tạo ra đã không có hướng đi rõ ràng. Vì vậy, chúng tôi rất tiếc phải đưa ra quyết định khó khăn là ngừng hoạt động và đóng cửa Essential”, đại diện Essential cho biết trong một tuyên bố.

Andy Rubin – nhà sáng lập Essential – là một người nhiều tai tiếng tại Google trước khi rời đi. Tháng 10/2018, một cuộc điều tra do NYTimes thực hiện đã phát hiện ông này được trả 90 triệu USD để rời khỏi Google sau khi có các cáo buộc tấn công tình dục cấp dưới.

Atrium (2017-2020)

Tổng vốn huy động: 75 triệu USD

Những startup ‘ngã ngựa’ năm 2020: Công ty huy động được 1,75 tỷ USD vẫn thất bại
Atrium không thành công như mong đợi. Ảnh: TechCrunch

Atrium, một công ty khởi nghiệp công nghệ với khoảng 100 nhân viên do Justin Kan sáng lập, đã đóng cửa vào tháng 3 sau khi không thể tìm ra cách hiệu quả thay thế hệ thống phức tạp của các hãng luật. Startup này cũng trả lại một phần số vốn huy động cho các nhà đầu tư, bao gồm quỹ dẫn đầu vòng gọi vốn Series B Andreessen Horowitz.

Trước đó vài tháng, Atrium đã sa thải các luật sư nội bộ để chuyển đổi thành một công ty khởi nghiệp chuyên về phần mềm với kỳ vọng về mức lợi nhuận tốt hơn. Một số luật sư sau đó đã thành lập công ty pháp lý độc lập riêng biệt và tiếp nhận các khách hàng cũ của Atrium. Nhưng Kan thừa nhận những thay đổi này mang đến ảnh hưởng tiêu cực cho công ty, một số khách hàng của Atrium chia sẻ rằng họ cảm thấy sự hỗn loạn và không yên tâm về đại diện pháp lý của mình.

Việc cố gắng xây dựng một phần mềm cho các luật sư sử dụng cũng nhanh chóng tỏ ra không hiệu quả. Các quy trình công việc được sắp xếp chặt chẽ của ngành luật dường như không phù hợp để áp dụng những công nghệ mới.

Được thành lập vào năm 2017, Atrium đã xây dựng phần mềm cho các công ty khởi nghiệp để quản lý việc gây quỹ, tuyển dụng, thỏa thuận sáp nhập và hợp tác với đội ngũ pháp lý của họ. Atrium cũng cung cấp các luật sư cho dịch vụ tư vấn và đảm nhận những phi vụ khách hàng có nhu cầu. Ý tưởng là phần mềm của họ sẽ làm cho đội ngũ luật sư hoạt động hiệu quả hơn một công ty luật truyền thống khi họ có thể hoàn thành công việc nhanh hơn, tiết kiệm hơn cho khách hàng và cả Atrium.

Hipmunk (2010-2020)

Tổng vốn huy động: 55 triệu USD

Những startup ‘ngã ngựa’ năm 2020: Công ty huy động được 1,75 tỷ USD vẫn thất bại
Hipmunk huy động được 55 triệu USD trước khi đóng cửa. Ảnh: Hipmunk

Hipmunk, được thành lập bởi Adam J. Goldstein và đồng sáng lập Reddit, Steve Huffman, là một trong những nền tảng tổng hợp du lịch đầu tiên trên thị trường. Công ty tập cung cấp tất cả các thông tin về chuyến bay, khách sạn và thuê xe để người tiêu dùng có thể so sánh và đối chiếu giá cả một cách dễ dàng.

Năm 2016, nền tảng này được Concur mua lại, tuy nhiên 4 năm sau, startup du lịch này phải đóng cửa. Thực tế, nguyên nhân khiến Hipmunk phá sản không phải Covid-19. Trang web của startup này đã ngừng hoạt động từ ngày 23/1, vài tháng trước khi Mỹ phải phong tỏa vì đại dịch.

HubHaus (2016-2020)

Tổng vốn huy động: 11,4 triệu USD

Những startup ‘ngã ngựa’ năm 2020: Công ty huy động được 1,75 tỷ USD vẫn thất bại
HubHaus đóng cửa hồi tháng 9. Ảnh: HubHaus

HubHaus, được thành lập bởi Shruti Merchant, là một nền tảng cho thuê nhà ở dài hạn bắt nguồn từ niềm tin rằng mô hình ký túc xá dành cho người lớn sẽ thành công. Startup hướng đến những chuyên gia đang làm việc ở các thành phố và đã huy động được 11 triệu USD. Merchant cho biết công ty gặp rất nhiều khó khăn trong vòng gọi vốn Series B khi nhà tư giảm sự hứng thú sau đợt IPO thất bại của WeWork.

Sau khi chuyển hướng sang một công ty tự rót vốn, HubHaus cố gắng tìm chỗ đứng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Mỹ, gây thiệt hại nghiêm trọng đến thị trường cho thuê nhà (trong đó có Airbnb). Cuối cùng, startup này đã quyết định đóng cửa vào tháng 9, gây ra nhiều tranh cãi và phải hứng chịu không ít chỉ trích.

Giá nhà ở phải chăng tiếp tục là vấn đề ở Bay Area, việc HubHaus ngừng hoạt động càng thể hiện rõ thực tế này.

Nguồn: Người đồng hành

Có thể bạn quan tâm: TỦ SÁCH KHỞI SỰ – KHỞI NGHIỆP – LÀM GIÀU

Bộ sách Khởi sự - Khởi nghiệp - Làm giàu

ĐẶT SÁCH

0
0 70
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments