Nhận diện thế hệ Z: Chân dung khách hàng thế hệ tiếp theo

By Mai Anh 26/01/2021 09:22

Thế hệ Z – những người trẻ sinh ra giai đoạn 1996 – 2005, còn được gọi là thế hệ kết nối, sẽ quyết định tương lai tiêu dùng của nền kinh tế. Không còn quá sớm để chúng ta bắt đầu suy nghĩ về cách tiếp cận thế hệ người tiêu dùng tiếp theo.

KHÔNG CÒN LÀ QUÁ SỚM

Để bắt đầu suy nghĩ về cách tiếp cận thế hệ người tiêu dùng tiếp theo. Và đã đến lúc để nói về Gen Z (thế hệ sinh ra trong khoảng năm 1996-2005) – còn được biết là “thế hệ kết nối” hay “những đứa trẻ trong thời đại chấm com”.

Theo ước tính, đến năm 2025, sẽ có hai tỉ người trên toàn cầu và Việt Nam có 15 triệu người thuộc thế hệ Z – lực lượng đóng góp 21% vào nguồn lao động và chiếm 30% lực lượng tiêu dùng Việt Nam.

Theo nghiên cứu “Thế hệ Z – Người tiêu dùng tương lai” của Nielsen, hơn 70% số người trả lời nói rằng họ có sức ảnh hưởng nhất định đến các quyết định mua sắm, sinh hoạt cho gia đình, như các hoạt động ngoài trời hoặc giải trí, đồ gia dụng, quần áo, đồ ăn và thức uống… Do đó, đã đến lúc các doanh nghiệp cần lên kế hoạch hành động ngay để đón đầu xu hướng kết nối với thế hệ Z.

Nhận diện thế hệ Z: Chân dung khách hàng thế hệ tiếp theo

ĐIỂM CHẠM TRỰC TUYẾN VÀ NGOẠI TUYẾN

Thế hệ Z trưởng thành trong một thời kỳ phát triển mạnh của kinh tế đất nước. Cuộc sống của người Việt Nam đang thay đổi hằng ngày với điều kiện sống đang dần trở nên tốt hơn, tỉ lệ kết nối truyền thông và đầu tư giáo dục tăng cao, có nhiều sự lựa chọn đa dạng và nhiều cơ hội để phát triển.

Trưởng thành trong bối cảnh đó, những người thuộc thế hệ Z nhìn chung đều vui vẻ hơn, lạc quan hơn, ít lo âu và cẩn trọng hơn, nhưng không có nghĩa là họ dễ dãi. Họ định nghĩa về mình là những người tiêu dùng “sáng tạo”, “kết nối” và “đầy đủ thông tin”.

Thêm vào đó, họ là những cư dân toàn cầu với kiến thức mở rộng, nên ngoài những giá trị sản phẩm thông thường, Gen Z còn quan tâm đến vấn đề trách nhiệm xã hội, môi trường, và bình đẳng giới. Đối với những doanh nghiệp muốn thu hút nhóm này, hãy luôn sẵn sàng để tạo ra một thương hiệu đích thực với những giá trị mà thế hệ Z đang tìm kiếm.

Sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp có sáng tạo đổi mới hay không? Có thể hiện được tinh thần, giá trị của người Việt trẻ? Có giá thành và chất lượng phù hợp cho Gen Z?

Giống như thế hệ Millennials, thế hệ Thiên niên kỷ (sinh trong giai đoạn 1980-1995), trong một ngày điển hình, thế hệ Z dành một lượng thời gian rất lớn trên các trang mạng xã hội và nền tảng video như Instagram, Facebook và YouTube, đây cũng chính là những “điểm chạm” tiềm năng nhất.

Tuy nhiên, cách tiếp cận của họ đối với mỗi nền tảng đa dạng hơn. Trên Instagram, họ thể hiện phong cách của bản thân mình cùng với các hoạt động hằng ngày hoặc những sản phẩm mà họ sử dụng. Trên Zalo, họ gửi tin nhắn cho bạn bè và gia đình. Trên Facebook, họ chia sẻ những khoảnh khắc đời thực hoặc để bày tỏ chính kiến và quan điểm cá nhân. Trên YouTube, họ tìm kiếm nội dung hấp dẫn và giải trí.

Nói cách khác, họ chia sẻ một loại nội dung nhất định trên các kênh xã hội khác nhau. Tất cả điều này có thể được thực hiện thông qua một cái chạm nhẹ, hoặc các tương tác nhỏ xảy ra chỉ một vài giây thông qua chiếc điện thoại thông minh – thứ mà 45% Gen Z thừa nhận họ không thể sống thiếu (so với 35% Millennials). Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần sẵn sàng cho nền kinh tế trên nền tảng di động – nền kinh tế tương lai.

Tuy nhiên, thế hệ Z không chỉ có thể được tiếp cận qua nền tảng mạng xã hội. Theo khảo sát của Nielsen, 90% số người thuộc thế hệ này xem tivi mỗi ngày, vì vậy quảng cáo trên phương tiện truyền thống có thể được tận dụng song song với kênh mạng xã hội.

Đặc biệt, bên cạnh cuộc “sống ảo”, thế hệ Z vẫn chú trọng đến cuộc sống thật của mình. Họ ưa thích tụ họp ở các quán trà sữa/cà phê (81%), đến nhà bạn bè (68%) và đến rạp chiếu phim (22%). Thế nên, để đến gần hơn với thế hệ Z, không nên bỏ qua những “điểm chạm” ngoại tuyến. Việc truyền tải đúng thông điệp trên các phương tiện phù hợp vào đúng thời điểm là điều vô cùng quan trọng trong thời điểm này.

Nhận diện thế hệ Z: Chân dung khách hàng thế hệ tiếp theo

THẾ HỆ Z: SẴN SÀNG CHO NHỮNG TRẢI NGHIỆM MỚI

Thế hệ Z rất thích trải nghiệm những điều mới lạ. Với 41% thế hệ Z trong nghiên cứu của Nielsen nói rằng họ luôn sẵn lòng thử các trải nghiệm thú vị ngay cả khi đã thường xuyên sử dụng thương hiệu quen thuộc, đây trở thành một cơ hội rất lớn cho các thương hiệu để thu hút thế hệ này với các trải nghiệm khách hàng, sản phẩm hoặc dịch vụ thú vị, sáng tạo hay độc đáo.

Hơn nữa, sự trung thành của thế hệ này đối với một thương hiệu là khá thấp do sự tò mò và tính ngẫu hứng của họ. Chỉ có 1/4 đáp viên thế hệ Z cho biết họ có xem xét một thương hiệu cẩn thận trước khi mua và họ không muốn chuyển đổi thương hiệu.

Trong những lý do khi chọn mua một sản phẩm hay dịch vụ, 61% thế hệ Z cho biết bị ảnh hưởng bởi “xu hướng đám đông”. Trong đó, điển hình là du lịch theo xu hướng điện ảnh, theo đuổi “phong cách thần tượng” và xu hướng “check-in”.

Nhận diện thế hệ Z: Chân dung khách hàng thế hệ tiếp theo

Những xu hướng này mở ra hàng loạt những “điểm chạm” đến thế hệ Z mới cho thương hiệu như những địa điểm du lịch được yêu thích, những trang thương hiệu phổ biến và những trang thần tượng nổi tiếng.

Với tần suất “check-in” cực kỳ nhiều trong một ngày điển hình của thế hệ Z, thương hiệu có thể tận dụng điều này để tạo những khoảng dừng khi mua sắm trong cửa hàng cho việc check-in. Từ đó, các khách hàng sẽ trở thành đại sứ thương hiệu cho nhãn hàng của doanh nghiệp.

Dù có thể nào đi chăng nữa, hãy để thương hiệu của bạn cùng đồng hành với hành trình mua sắm của thế hệ Z. Tương lai đã chạm ngõ. Thế hệ Millennials đang và sẽ chiếm đa số lực lượng lao động. Chỉ không lâu sau đó, thế hệ Z dự kiến sẽ tạo ra một tác động đáng kể không kém. Doanh nghiệp ngay từ bây giờ phải chuẩn bị hành trang đón đầu xu hướng cùng với Gen Z – những vị khách hàng của tương lai.

Nguồn: Forbes Vietnam

Thấu hiểu và kết nối với GEN Z trong quyển sách GEN Z – ĐỌC VỊ THẾ HỆ SỐNG ẢO

Gen Z - Đọc vị thế hệ Sống Ảo

ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

4+
0 91
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments