Gen Z ở Việt Nam nghĩ gì về “Tính cá nhân hóa” và “Quyền lựa chọn”?

By Nguyễn Liên 05/01/2021 14:03

Đến năm 2025, Gen Z (chỉ những người được sinh ra trong giai đoạn 1997 – 2012) dự kiến sẽ chiếm tới 25% tổng lực lượng lao động tại Việt Nam. Vì thế, để thành công hơn trong việc thu hút và giữ chân nguồn nhân lực trẻ, đầy sáng tạo và tài năng này, các công ty cần tìm hiểu về họ và thiết kế một môi trường làm việc khơi gợi cho họ nhiều cảm hứng.

Vậy Gen Z muốn gì? Họ tìm kiếm động lực ở đâu? Họ khác biệt ra sao so với thế hệ Millennials (hay thế hệ Y, được sinh ra từ 1981 – 1996)?

Tính cá nhân hoá & Quyền lựa chọn

Đây là hai yếu tố “nam châm” trong việc thu hút và giữ chân Gen Z tại môi trường làm việc. Dù có một số điểm tương đồng nhất định được bàn đến trong khảo sát, Gen Z – như bất kỳ cộng đồng nào khác – đều có những nét khác biệt cần được chú ý.

Bên cạnh những đòi hỏi chung của Gen Z về thiết kế của văn phòng, động lực phát triển hay thành công có ý nghĩa thế nào đối với họ, nhà tuyển dụng cũng không nên bỏ qua việc tìm hiểu sâu hơn về nhu cầu cá nhân của mỗi nhân viên.

Ảnh hưởng của mạng xã hội và các ứng dụng đến nhu cầu được lựa chọn

Các app (ứng dụng) mà Gen Z sử dụng mỗi ngày có thể phần nào giải thích nguyên nhân vì sao Tính cá nhân hoá và Quyền lựa chọn lại quan trọng với họ đến vậy. Khi sử dụng những ứng dụng này, họ được toàn quyền quyết định bất cứ thứ gì họ muốn, tại bất cứ thời điểm nào. Tất cả đều được “đo ni đóng giày” theo nhu cầu, sở thích và cá tính riêng của từng cá nhân ngay tại thời điểm đó.

Mạng xã hội cá nhân hoá (như Tiktok): Tương tự như YouTube và Facebook, TikTok đã đạt đến đỉnh cao trong việc đề xuất chính xác nội dung bạn muốn xem để kéo dài thời gian bạn sử dụng app. Khi đã quen với trải nghiệm dành riêng cho mình trên những nền tảng này, Gen Z sẽ cảm thấy khó thích nghi với những môi trường “chung chung”.

Trải nghiệm ở môi trường làm việc nên được cá nhân hoá để nhân viên cảm thấy “đây là nơi dành cho mình!”, thay vì “tàm tạm, nhưng đại trà”. Và từ đó tạo ra thêm động lực cho nhân viên, cũng như giữ chân họ lâu hơn – điều mà các mạng xã hội đã thành công khi làm được.

Các siêu ứng dụng (như Grab): “Lớn lên” cùng những siêu ứng dụng như Grab, Gen Z muốn có thật nhiều lựa chọn trong tầm tay. Grab và những ứng dụng khác có khả năng sử dụng dữ liệu để nhận dạng thói quen sử dụng một cách khéo léo, như dự đoán điểm đến tiếp theo của bạn, rút gọn quy trình đặt xe chỉ với vài thao tác. Những tiện ích này gần như không thể tìm thấy ở những môi trường làm việc (online) chậm, chung chung, và rập khuôn.

Sự nhanh chóng của các ứng dụng giao hàng: Các ứng dụng như Baemin, Gojek, Foody,.. đã đáp ứng được nhu cầu “ngay và luôn” của Gen Z. Toàn bộ quy trình từ đặt món bạn đang thèm đến giao nhận diễn ra chưa đến 30 phút. Vậy nên, không ngạc nhiên lắm nếu Gen Z đặt ra câu hỏi: “Sao tác phong làm việc ở văn phòng mình cứ “từ tốn” như 5 năm trước thế?”

Gen Z làm việc mọi lúc mọi nơi

Những kỳ vọng về tính cá nhân hoá và quyền lựa chọn ngày càng tăng cao trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra. Theo số liệu thu được từ Navigos Search, trước “năm COVID thứ nhất”, nhu cầu được làm việc linh động từ xa của nhân viên Việt luôn được đặt ở hàng đầu. Tuy nhiên, có rất ít công ty nhận ra sự cần thiết của hình thức làm việc từ xa. Ngay cả khi biết thì cũng chỉ một vài nơi sẵn sàng áp dụng.

Thực trạng này đã thay đổi trong hoàn cảnh đại dịch. Đặc biệt khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng từ tháng 4, các công ty dần nhận ra để nhân viên làm việc từ nhà cũng không thành vấn đề. Trong khi đó, nhân viên lại cảm thấy suốt ngày giải quyết công việc ở nhà không “sướng” như mình tưởng, nhất là khi sự tương tác giữa người-và-người, nhu cầu xã giao, học hỏi bị hạn chế. Hơn nữa, có đến 7 trên 10 nhân viên nhóm Gen Z tại Việt Nam cho biết tình trạng bị phân tâm, hay mất tập trung do thiếu kỷ luật, là nhược điểm lớn nhất khi làm việc ở nhà.

Vì thế, các công ty có thể áp dụng giải pháp sau cho nhu cầu này: đối với 56% tổng số nhân viên nhóm Gen Z muốn có giờ làm việc linh động, hãy để họ được lựa chọn khung giờ làm việc họ muốn. Còn đối với ¼ số nhân viên thích làm việc ở nhà vì không muốn phải đi lại, có thể cho họ quyền lựa chọn địa điểm làm việc vào một vài ngày trong tuần.

Việc tìm đến người, hay người tìm đến việc?

Dựa theo những xu hướng và ưu tiên kể trên, các công ty thông minh đang dần chuyển sang hướng mang việc đến gần nhân viên hơn, thay vì buộc nhân viên phải đến tận nơi công sở để làm việc. Số liệu gần đây từ CBRE cho thấy ngày càng nhiều công ty ở TP.HCM đặt trụ sở ở các khu vực đông dân cư, thay tại các quận trung tâm như trước.

Nhờ đó, văn phòng được chuyển đến gần nhà nhân viên hơn, thời gian đi lại sẽ được cắt giảm, giúp nhân viên cân đối giữa công việc và cuộc sống tốt hơn. Bên cạnh đó còn giúp công ty tiết kiệm chi phí. Một báo cáo khác từ Cushman & Wakefield’s còn cho thấy các công ty xây dựng được mạng lưới không gian và địa điểm làm việc hiệu quả còn đem lại cho nhân viên sự linh hoạt tối đa trong công việc.

Với thói quen học tập trong môi trường đa dạng của Gen Z, họ đánh giá cao sự linh động này hơn những thế hệ trước. Bạn Nhân (sinh năm 1998) chia sẻ: “Không gian làm việc lý tưởng của mình không cố định. Ví dụ như khi học bài, mình thường chọn học ở nhà, ở quán cà phê, và ở thư viện trường đại học, tuỳ theo tâm trạng hay mục đích của mình.”

Gen Z muốn tối ưu hoá mục đích sử dụng văn phòng

Tái thiết kế trụ sở chính của các công ty là điều cần thiết khi lượng công việc được giải quyết phân bố ở nhiều nơi, từ tổng văn phòng, đến các văn phòng nhỏ hơn ở các khu lân cận, cùng với các địa điểm bổ sung như quán cà phê và các không gian làm việc chung (coworking space). Trên cả những mong đợi mà Gen Z có cho môi trường làm việc lý tưởng của mình, các công ty cần tái lập vai trò của trụ sở chính và tối ưu hoá mục đích sử dụng văn phòng.

Một nghiên cứu gần đây khác của CBRE chỉ ra rằng các văn phòng cần lấy tương tác của người sử dụng làm trọng tâm. Khi được hỏi về những lý do chính để quay lại văn phòng khi đại dịch chấm dứt, có đến 60% tổng số người tham gia khảo sát nhắc đến “làm việc nhóm và kết nối”, cũng như nhu cầu trao đổi trực tiếp.

Điều này càng nhấn mạnh tầm quan trọng của mục đích sử dụng văn phòng và tác động của nó đến lối thiết kế của nơi làm việc. Từ đó, các công ty có thể căn nhắc bổ sung hoặc mở rộng những không gian chung như quán cà phê, phòng chờ, phòng họp “thoáng” hơn, cũng như những khu vực phục vụ cho việc thảo luận, làm việc nhóm. Một văn phòng hội tụ đủ các yếu tố này sẽ mang lại cho tất cả nhân viên ở mọi nhóm tuổi quyền lựa chọn cách làm việc phù hợp với tính chất công việc hay tâm trạng của họ.

Cách mang lại Tính cá nhân hóa và Quyền lựa chọn cho Gen Z

Các ứng dụng gắn liền với cuộc sống của Gen Z có khả năng nhanh chóng cung cấp nội dung họ muốn xem, dự đoán họ muốn đi đâu, giao hàng cấp tốc đến nhà hay văn phòng của họ. Trong khi đó, môi trường làm việc của họ hầu như vẫn chưa thỏa mãn nhu cầu được “chăm sóc” và thấu hiểu tốt như các ứng dụng.

Để hiểu hơn kỹ về Gen Z và đáp ứng nhu cầu của họ tốt hơn, các nhà lãnh đạo có tầm nhìn sẽ chủ động nghiên cứu cách hoạt động của những ứng dụng này. Tại sao không cá nhân hóa trải nghiệm làm việc của nhân viên bằng cách để họ được quyết định địa điểm và thời gian làm việc cho riêng mình?

Khi Gen Z có quyền tự do lựa chọn thời gian, không gian, và cách xử lý công việc, năng suất của họ sẽ được cải thiện, thời gian đi lại được cắt giảm, và công ty cũng tiết kiệm được chi phí. Trong thời đại cá-nhân-hoá, môi trường làm việc không thể cứ mãi chung-chung.

Bài viết được dịch bởi L A M.

Tham khảo bộ sách: Marketing – Bán hàng đạt doanh số vàng thời đại 4.0 để gia tăng doanh số, đột phá lợi nhuận

Bộ sách Marketing - Bán hàng đạt doanh số vàng thời đại 4.0 - Làm giàu từ kinh doanh

ĐẶT MUA

0
0 20
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments